Đức hồng y Kurt Koch: “Nếu không có mục tiêu chung, công cuộc đại kết sẽ không thể tiến triển”

Trong công cuộc đại kết, luôn có nhiều cuộc đối thoại. Đại kết về chân lý là đại kết của cuộc đối thoại thần học về các vấn đề chưa được giải quyết. Nhưng còn có, và nhất là, cuộc đối thoại của tình bác ái thể hiện nơi sâu thẳm của những mối tương quan bằng hữu. Mối tương quan này giữa các tín hữu là nền tảng, làm nên tầm quan trọng của chứng tá chung.

WHĐ (08.12.2016) – Đức hồng y Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Cổ võ sự Hiệp nhất các Kitô hữu, có mặt tại Strasbourg vào ngày 6-12 để tham dự lễ kỷ niệm 500 năm cuộc Cải Cách Tin Lành.
Nhân dịp này, Đức hồng y Koch đã nói về triển vọng của công cuộc đại kết sau một năm 2016 có rất nhiều sự kiện.
– Cuộc gặp gỡ giữa Đức giáo hoàng Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill, việc cùng với các tín hữu Anh giáo đào sâu về sứ mệnh chung, Tuyên bố chung tại Lund với các tín đồ Tin Lành Luther... Liệu chúng ta có thể nói rằng đây là một năm thành công của công cuộc đại kết không?
Đức hồng y Kurt Koch: Chắc chắn là như thế. Chúng ta cũng đừng quên cuộc gặp gỡ tại Lesbos của Đức giáo hoàng với Đức Thượng phụ Bartholomaios và Đức Tổng giám mục của Athina. Cuộc gặp gỡ này là một dấu chỉ mạnh mẽ của tình liên đới với những người tị nạn, cho thấy rằng họ không bị lãng quên trong thế giới đại kết.
Năm này cũng được ghi dấu với Công đồng Toàn Chính Thống tại Kriti và cuộc họp toàn thể của Uỷ ban đối thoại Chính thống giáo-Công giáo mà sau chín năm gặp khó khăn, cho thấy rằng đã có thể ấn hành một văn bản chung. Vàcòn có các chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng đến Armenia và Georgia nữa...
– Có thể có một cuộc gặp gỡ nữa giữa Đức giáo hoàng và Đức Thượng phụ Kirill không?
Đức hồng y Kurt Koch: Cho đến nay chúng ta đã không nói đến chuyện ấy. Sau cuộc gặp gỡ với Đức giáo hoàng Phanxicô, ở Moskva đã có những lời chỉ trích mạnh mẽ chống lại Đức Thượng phụ và tôi hiểu sự thận trọng của ngài. Tôi thấy rằng trong các Giáo hội Chính thống sự chống đối đại kết đang gia tăng. Nhiều Giáo hội đã từ chối tham dự Công đồng Toàn Chính Thống, đặc biệt là do văn kiện về đại kết.
Trong Uỷ ban đối thoại, chúng ta thấy rất rõ có nhiều căng thẳng giữa những người Chính thống hơn là với người Công giáo. Nhưng tôi tin tưởng vì nhiều nhà lãnh đạo Chính thống đang ủng hộ công cuộc đại kết, nhất là Đức Thượng phụ Bartholomaios và Đức Thượng phụ Kirill, mặc dù tôi hiểu rằng Đức Thượng phụ Kirill lo sợ có sự chia rẽ trong Giáohội của ngài.
– Người Công giáo cũng tỏ ra miễn cưỡng, như những người chỉ trích việc mừng 500 năm Cuộc Cải Cách của Tin Lành. Đức hồng y có thông cảm với họ không?
Đức hồng y Kurt Koch: Sẽ hay hơn nếu đừng nói là mừng Cuộc Cải Cách, nhưng là kỷ niệm! Văn kiện chung “Từ xung đột đến hiệp thông” thật rõ ràng: chúng ta nhấn mạnh trước hết đến lòng biết ơn vì một lịch sử không chỉ đượclàm thành bởi 500 năm xung đột, mà còn được đánh dấu bởi 50 năm đối thoại sâu rộng.
Cuộc đối thoại với người Tin Lành Luther là cuộc đối thoại đại kết đầu tiên bắt đầu sau Công đồng và đến năm 1999đạt được Tuyên bố chung về giáo lý về sự Công chính hoá.
Rồi phải sám hối về những gì đã khiến chúng ta chống đối nhau. Cuộc Cải Cách đã không đem đến sự đổi mới Giáo hội như Luther mong muốn nhưng lại gây ra chia rẽ và chiến tranh tôn giáo khủng khiếp, đặc biệt là Cuộc Chiến Ba mươi năm. Chúng ta không thể mừng điều ấy, mà phải thú nhận và xin ơn tha thứ.
– Đâu là những đường hướng mới của công cuộc đại kết?
Đức hồng y Kurt Koch: Vấn đề cơ bản là chúng ta không còn có một nhãn quan chung về mục tiêu của phong trào đại kết. Nếu không có một mục tiêu chung, chúng ta không thể đi những bước tiếp theo. Chính vì điều đó mà, cùng vớinhững người Tin Lành Luther, tôi đã đề nghị soạn thảo một tuyên bố chung mới về Giáo hội, Thánh Thể và thừa tác vụ.
– Ngoài các vị lãnh đạo Giáo hội, phải làm gì để các tín hữu cũng sống tinh thần đại kết?
Đức hồng y Kurt Koch: Trong công cuộc đại kết, luôn có nhiều cuộc đối thoại. Đại kết về chân lý là đại kết của cuộc đối thoại thần học về các vấn đề chưa được giải quyết. Nhưng còn có, và nhất là, cuộc đối thoại của tình bác ái thể hiện nơi sâu thẳm của những mối tương quan bằng hữu. Mối tương quan này giữa các tín hữu là nền tảng, làm nên tầm quan trọng của chứng tá chung.
– Đang khi cuộc đối thoại đóng khung trong những vấn đề đạo đức, chẳng phải là nghịch lý sao nếu lái cuộc đối thoại ấy sang lĩnh vực chứng tá chung?
Đức hồng y Kurt Koch: Trái lại, chúng ta phải làm chung với nhau tất cả những gì có thể cùng làm. Như thế chúng tamới có thể giải quyết được vấn đề. Chúng ta không thể đợi đến khi vấn đề được giải quyết rồi mới hành động! Đây là phương châm của Đức giáo hoàng Phanxicô về đại kết: sự hiệp nhất sẽ đến trên đường đi. Hiệp nhất không phải ở trên trời rơi xuống vào một ngày đẹp trời, một lần cho mãi mãi.
Cũng chính vì điều đó mà Đức giáo hoàng rất thường nói đến đại kết bằng máu. Tất cả các Giáo hội đều có các vị tử đạo của mình và chứng tá chung này là một dấu chỉ rất quan trọng. Các vị tử đạo đã tìm được sự hiệp nhất. Giáo hội sơ khai đã nói rằng “máu của các vị tử đạo là hạt giống sinh ra các Kitô hữu”. Tôi tin rằng máu của nhiều vị tử đạo ngày hôm nay sẽ gieo mầm hiệp nhất của thân mình Chúa Kitô.

(La Croix)
Minh Đức
Nguồn: HĐGMVN