Trong sứ điệp gửi tín hữu nhân dịp lễ Giáng Sinh vừa qua, Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo chủ danh dự toàn Chính Thống giáo, đã tuyên bố năm 2017 là năm thăng tiến sự thánh thiêng của trẻ em. Đức Thương Phụ viết trong sứ điệp: “Lễ của Đức Giêsu Hài Nhi, Ngôi Lời Thiên Chúa, đã trở thành trẻ thơ đối với chúng ta, là một nhắc nhở và một lời mời gọi săn sóc các trẻ em, bảo vệ các nạn nhân dễ bị tổn thương và tôn trong sự thánh thiêng của tuổi thơ.
Biến có Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa nhập thể giáng sinh làm người bao gồm nhiều ý nghĩa và gợi lên rất nhiều thực tại quan trọng, trong đó có tình yêu thương, gia đình và phẩm giá cao quý của ơn gọi làm người. Chính vì thế Giáng Sinh vẫn thường được coi như lễ của hạnh phúc gia đình và tình liên đới. Và trong dịp lễ Giáng Sinh có rất nhiều sáng kiến nhằm thể hiện các điều này.
Trong sứ điệp gửi tín hữu nhân dịp lễ Giáng Sinh vừa qua, Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo chủ danh dự toàn Chính Thống giáo, đã tuyên bố năm 2017 là năm thăng tiến sự thánh thiêng của trẻ em. Đức Thương Phụ viết trong sứ điệp: “Lễ của Đức Giêsu Hài Nhi, Ngôi Lời Thiên Chúa, đã trở thành trẻ thơ đối với chúng ta, là một nhắc nhở và một lời mời gọi săn sóc các trẻ em, bảo vệ các nạn nhân dễ bị tổn thương và tôn trong sự thánh thiêng của tuổi thơ. Các trẻ em nam nữ ngày nay không chỉ là nạn nhân của chiến tranh và cưỡng bách di cư, mà cũng bị đe dọa tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển và cuộc sống chính trị ổn định nữa. Lý do là vì cuộc khủng hoảng của hôn nhân và gia đình, cũng như của rất nhiều hình thức bạo lực thể lý hay tinh thần lan tràn trong xã hội ngày nay. Tâm hồn của trẻ em bị lèo lái qua việc tiêu thụ nặng nề của các phương tiện truyền thông điện tử, đặc biệt là truyền hình và hệ thống liên mạng internet. Nền kinh tế tiêu thụ biến đổi các trẻ em ngay từ khi chúng còn bé trở thành những kẻ tiêu thụ, trong khi việc tìm kiếm thú vui làm cho sự vô tội của chúng nhanh chóng biến mất”.
Trong sứ điêp Giáng Sinh Đức Thượng Phụ Bartolomaios I cũng nhắc lại các câu trong Phúc Âm cho thấy Chúa Giêsu đặc biệt yêu thương các trẻ em và viết: “Hội thánh của chúng ta đề nghị với mọi người các lời này của Chúa: “Nếu các con không hoán cải và không trở nên như các trẻ em, thì sẽ không được vào Nước Trời” và “Ai không đón tiếp Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ không vào được vào Nước Trời”. Tất cả mầu nhiệm Giáng Sinh được tổng hợp trong các lời thánh ca ngày lễ: “Một trẻ em đã chào đời cho chúng ta, Thiên Chúa trước mọi thời”. Thiên Chúa đã mạc khải cho thế giới với trái tim trong sạch và sự đơn sơ của một trẻ thơ. Các trẻ em hiểu các sự thật mà người khôn ngoan không hiểu” Trong sứ điệp Giáng Sinh Đức Thượng Phụ cũng trích lời thi sĩ hy lạp Odisseas Elytis: “Chỉ có thể xây dựng thành Giêrusalem với các trẻ em thôi”.
** Các thống kê hằng năm cho thấy trẻ em và người trẻ là các nạn nhân đầu tiên của tất cả mọi cuộc chiến tranh và xung khắc đó đây trên thế giới. Điển hình như các cuộc chiến trong vùng Trung Đồng, bên Siria, Iraq, Libia, Yemen, và tình hình căng thẳng tại Thánh Địa hơn nửa thế kỷ qua. Hàng trăm ngàn trẻ em bị chết oan uổng vì bom đạn, đói khát và bệnh tật. Trong số gần 400 ngàn người chết trong hơn 5 năm chiến tranh tại Siria có hàng chục ngàn trẻ em và người trẻ. Trong các tuần qua cũng đã có thêm hàng trăm trẻ em và người trẻ của thành phố Aleppo bị thiệt mạng, vì bị các lực lượng hồi cuồng tín dùng làm thuẫn đỡ đạn, hay bị họ hạ sát trên đường trốn chạy khỏi các khu phố do họ kiểm soát. Bên cạnh đó còn có hàng ngàn trẻ em và người trẻ nạn nhân của các xung khắc bạo lực tại nhiều nước trên thế giới, như đuợc ĐTC nhắc tới trong sứ điệp Giáng Sinh ngày 25 tháng 12, khi ngài duyệt qua một số vùng vẫn còn có chiến tranh xung khắc, căng thẳng, khủng bố phá hoại, và chết chóc thương đau như: Siria, Thánh Địa, Iraq, Libia, Yemen, Nigeria, Cộng hoà dân chủ Congo, Nam Sudan, Đông Ucraina, Colombia, Venezuela, Myanmar và hai vùng Bắc và Nam Hàn. Ngài nêu bật quyền năng tình yêu của Chúa Giêsu Con Thiên Chúa nhập thể làm ngưòi để thiết lập vương quốc công lý và hoà bình.
Âu lo đối với số phận của trẻ em và người trẻ trên thế giới cũng đã là lý do khiến ĐTC Phanxicô đã nhắc đến các em trong bài giảng thánh lễ nửa đêm Giáng Sinh vừa qua. Ngài nói: “Trẻ em luôn luôn là dấu chỉ để tìm thấy Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không sinh ra trong lâu đài vua chúa, trong các hào nhoáng bề ngoài, hay trong quyền bính, nhưng trong sự nghèo nàn của một hang bò lừa, trong cái đơn sơ của cuộc sống , trong cái bé nhỏ gây kinh ngạc. Và để gặp được Ngài cần phải đi tới đó, nơi Ngài ở: cần phải cúi mình xuống, phải trở thành nhỏ bé. Hài Nhi giáng sinh gọi hỏi chúng ta: Ngài kêu mời chúng ta tử bỏ các ảo ảnh phù vân để tiến tới điều nòng cốt, khước từ các yêu sách không thể thoả mãn, bỏ đi sự bất mãn đời đời và nỗi buồn vì có cái gì đó sẽ luôn luôn thiếu trong cuộc sống. Thật là tốt bỏ đi các điều ấy để tìm lại hoà bình, niềm vui và ý nghĩa cuộc sống trong sự đơn sơ của Thiên Chúa Hài Nhi. Chúng ta hãy để cho Hài Nhi nằm trong máng cỏ gọi hỏi, nhưng chúng ta cũng hãy để cho mình bị gọi hỏi bởi các trẻ em ngày nay không nằm trong một chiếc nôi và được tình yêu thương của một bà mẹ và một người cha vuốt ve, nhưng nằm trong các “máng có phẩm giá tối tăm”: trong hầm trú dưới lòng đất để tránh bom đạn, trên vỉa hè của một thành phố lớn, dưới lòng một con thuyền đầy người di cư. Chúng ta hãy để cho mình bị gọi hỏi bởi các trẻ em không được sinh ra, bởi các trẻ em khóc vì không có ai thoả mãn cái đói khát của các em, bởi các trẻ em trong tay không cầm đồ chơi nhưng cầm khí giới…”
** Thật vậy, trong số gần một tỷ người nghèo hằng ngày phải đi ngủ với dạ dầy trống rỗng có hằng chục triệu trẻ em và người trẻ của các nước nghèo Phi châu, Á châu và châu Mỹ Latinh. Thế rồi trên thế giới vẫn còn có hơn 200 triệu trẻ em và người trẻ vị thành niên hàng ngày phải làm việc vất vả như người lớn để có của ăn nuôi thân, hay để phụ giúp cha mẹ lo lắng cho gia đình; trong số đó có hàng triệu trẻ em Ấn Độ bị cha mẹ bán đi để trả nợ và bị chủ xích chân vào khung dệt thảm để các em khỏi trốn; trong đó có hàng chục ngàn trẻ em Pakistan lam lũ mỗi ngày để phải khâu và sản xuất bóng đá vv. Bên cạnh đó còn có hằng triệu trẻ em và người trẻ nạn nhân của nạn buôn người, của thị trường mại dâm quốc tế, và hằng trăm ngàn trẻ em chiến binh. Trong số 65 triệu người di cư tỵ nạn trên thế giới có hàng chục triệu trẻ em và người trẻ vị thành niên. Từ sau các biến động của mùa xuân A rập tới nay làn sóng hàng triệu người di cư tỵ nạn từ các quốc gia Trung Đông và Phi châu vượt biển Địa Trung Hải tìm vào Âu châu qua ngã Italia không chấm dứt. Trong số này có rất đông trẻ em và người trẻ vị thành niên di cư vượt biên, mà không có người lớn đi kèm. Trên tổng số 6.000 người di cư chết khi vượt biển vào Italia trong năm 2016, cũng có hàng trăm trẻ em và người trẻ. Hình ảnh thi thể vài em trôi giạt vào bờ biển Italia hay đâu đó đã chỉ đánh động dư luận thế giới trong một thời gian ngắn, rồi cũng đi vào quên lãng. Vấn đề của người di cư tỵ nạn đã kéo dài từ nhiều năm qua trong các cuộc họp của quốc hội Âu châu, nhưng vẫn không tìm ra giải pháp nào thỏa đáng. Italia vẫn phải “đơn thương độc mã” cứu vớt và trợ giúp ngưòi di cư tỵ nạn. Đứng trước cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có kể từ đệ nhị thế chiến tới nay 780 triệu dân các nước Âu châu đã tỏ ra không có khả năng tiếp nhận và trợ giúp vài triệu người di cư tỵ nạn đến từ các quốc gia nghèo.
Đó đây trên thế giới, theo truyền thống có từ ngàn xưa Giáo Hội Công giáo đã luôn luôn chủ động trong nhiều sinh hoạt trợ giúp và thăng tiến cuộc sống của các trẻ em và người trẻ. Chẳng hạn tại Giêrusalem có “Trung tâm Rakhel” chuyên săn sóc trẻ em. Trung tâm này đã được thành lập hồi tháng 9 năm 2016, và đã được ĐC Pierbattista Pizzaballa, Giám quản Toà thượng phụ Latinh Giêrusalem, làm phép khánh thành ngày mùng 10 tháng 11 vừa qua. Ban ngày trung tâm tiếp đón các trẻ em và người trẻ thuộc các gia đình di cư. Tại đây các em được săn sóc sức khỏe, cung cấp thực phẩm và có các lớp dậy săn sóc trẻ sơ sinh và trẻ em cho các gia đình di cư trên toàn lãnh thổ Israel. Trong khi cha mẹ làm việc, các em thường được giao cho các người không chuyên môn trông coi, nên không được săn sóc đầy đủ và có khi trở thành nạn nhân của của các lạm dụng. Trung tâm được dâng kính thánh nữ Rakhel là một cơ cấu toạ lạc trong phần đất của dòng Capucino Giêrusalem, và có các nhà giáo dục và chuyên viên thiện nguyện săn sóc dậy dỗ các em.
** Trong những ngày vừa qua hình ảnh video hai em bé bụi đời lục lọi thùng rác để tìm đồ ăn trong ngoại ô thành phố Villaflores, thuộc tiểu bang Chiapas bên Mêhicô, đã khiến cho nhiều người dân phẫn nộ. Dân chúng đã lên tiếng yêu cầu chính phủ đưa ra các biện pháp cải tiến cuộc sống xã hội, làm sao để các trẻ em không phải sống trong các điều kiện hạ thấp nhân phẩm như thế. Thống kê của phân bộ phát triển xã hội Mehicô cho biết tại Chiapas có tới 76,2% dân sống trong các điều kiện nghèo túng, và 31,8% phải sống trong cảnh bần cùng, nghĩa là không có đủ thực phẩm nuôi thân.
Bên Honduras tổ chức phi chính phủ “Casa Alianza”, chuyên trợ giứp các trẻ em, tố cáo sự kiện có khoảng 15.000 trẻ em nam nữ bụi đời sống trên các viả hè đường phố, trong các trung tâm thương mại và các quảng trường của các thành phố lớn. Lý do chính của thảm cảnh này là điều kiện sống nghèo túng của gia đình khiến các em bỏ nhà lang thang kiếm sống. Thống kê cho biết có tới 60% tức hơn 8,5 triệu người Honduras sống trong nghèo túng. Theo tổ chức Hội đồng bảo vệ người tỵ nạn Na Uy có một phần ba trẻ em không được học hành giáo dục chắc chắn. Tình hình bạo lực chung trong nuớc Honduras khiến cho các gia đình bắt con cái ở trong nhà, hay giúp chúng trốn thoát, đa số là ra đi một mình không có người lớn đi kèm. Vì các em có thể bị sát hại trên đường đến trường học hay trở thành nạn nhân của các băng đảng tội phạm kiểm soát các vùng có trường học. Hiện nay có ít nhất 174.000 người Honduras bị bó buộc bỏ nước ra đi. Cha mẹ giúp con cái trốn đi, hy vọng chúng có một tương lai tươi sáng hơn. Đa số tìm vào Hoa Kỳ. Chính quyền Hoa Kỳ cho biết từ tháng 10 năm 2015 tới tháng 9 năm 2016 đã có 10.000 trẻ em Honduras tới Hoa Kỳ.
Tổ chức Casa Alianza cũng cho biết vì là trẻ vị thành niên các em bụi đời nói trên không bị hệ thống pháp luật bách hại, nên thường bị tuyển mộ bởi các băng đảng bụi đời, biến các em thành người buôn bán ma tuý hay đâm thuê chém mướn. Trong số các mục tiêu do tổ chức Casa Alianza đề ra từ khi hiện diện tại Honduras năm 1987 có việc tiếp đón, che chở và trợ giúp các người trẻ nạn nhân của bạo lực, lạm dụng tình dục, buôn người, ma tuý và bị trục xuất từ Hoa Kỳ và Mêhicô.
** Tại Cordoba bên Argentina có hiệp hội trợ giúp ngưòi trẻ nghiện ma túy do cha Mariano Oberin, cha sở giáo xứ Chúa bị đóng đinh, hướng dẫn cùng với một số cha mẹ có con cái nghiện ma tuý. Với sự trợ giúp của nhiều người cha thành lập một nhà hiện có 20 người trẻ cai nghiện ma tuý sinh sống. Trung tâm này có nhà ở, một trường học và hai khu vực dậy nghề. Trong khu phố Mueller của thành phố Cordoba cảnh mua bàn ma tuý và nghiện ngập xảy ra công khai. Người ta có thể tìm mua marijuana, cocaina, các viên thuốc ma tuý, rượu mạnh và các loại ma tuý hoá học khác. Và không thiếu cảnh người trẻ nghiện ngập gầy gò ốm yếu, cởi trần đi thất thểu lang thang ngoài đường phố, có khi đi không vững phải tựa người vào tường nhà người dân. Số người trẻ nghiện ma tuý ngày càng gia tăng, đến độ cách đây một năm HĐGM Argentina đã phải công bố thư mục vụ tựa đề “Nói “không” với việc buôn bán ma tuý. Nói “có” với một cuộc sống tràn đầy”.
Trong cuộc gặp gỡ tại Santiago de Cile hồi cuối tháng 11 vừa qua một nhóm 60 bạn trẻ thuộc 11 nước châu Mỹ Latinh và vùng đảo Caraibi đã đệ trình lên Uỷ ban kinh tế của vùng này gọi tắt là CEPAL một loạt các đề nghị giúp đạt các mục đích phát triển có thể thực hiện được nội trong năm 2030, nhằm vượt thắng nạn nghèo túng của trẻ em và nguời trẻ. Trong số 250 sáng kiến có 15 sáng kiến được duyệt xét, trong đó có việc thành lập các vườn gia đình trồng thực phẩm giúp bài trừ nạn đói tại Haiti, một mạng lưới giáo dục giới trẻ và hướng dẫn tính dục trên điện thoại di động bên Argentina, một dự án cho các trẻ em dưới 3 tuổi sống với mẹ trong các nhà tù nữ giới bên Perù. Tham dự sáng kiến này có các bạn trẻ từ 15 tới 17 tuổi thuộc các nước Argtentina, Cile, Colombia, Costa Rica, Ecuador, Guatemala, Mehico, Paraguay, Uruguay và Haiti.
Linh Tiến Khải
Nguồn: Radio Vatican