Một cuộc nghiên cứu mới đây của cơ quan Pháp trợ giúp phát triển truyền thông vùng Nam Bán cầu, gọi tắt là CFI, đã chứng minh rằng mạng Facebook nói riêng và toàn bộ internet nói chung, đã bị chặn đứng nhiều lần trong những tháng vừa qua tại các nước vùng Phi châu nam sa mạc Sahara.
Trong những năm gần đây, giới trẻ Phi châu đã ồ ạt dùng các mạng xã hội như là cách thức ưu tuyển để phát biểu tư tưởng hay là để xách động dư luận, khiến cho các chế độ độc tài tại lục địa đen lo âu và sẵn sàng chặn mạng internet mỗi khi có dấu hiệu căng thẳng chính trị trong nước.
Một cuộc nghiên cứu mới đây của cơ quan Pháp trợ giúp phát triển truyền thông vùng Nam Bán cầu, gọi tắt là CFI, đã chứng minh rằng mạng Facebook nói riêng và toàn bộ internet nói chung, đã bị chặn đứng nhiều lần trong những tháng vừa qua tại các nước vùng Phi châu nam sa mạc Sahara.
Cơ quan này đã nhận diện hơn 4000 thành viên cốt cán mạng internet tại 7 nước Benin, Burkina Faso, Côte D’Ivoire, Cộng hòa dân chủ Congo, Ghana, Madagascar và Senegal. Đã có khoảng 40 người được cơ quan này phỏng vấn để tìm hiểu một hiện tượng vượt ra ngoài các thống kê chính thức. Cuộc điều tra này cho thấy rằng mặc dù phẩm chất thấp của các mạng internet, hàng trăm cộng đoàn tại Phi châu đối thoại với nhau, cộng tác hay phản đối nhau qua các mạng Facebook hay WhatsApp.
Người ta không cần máy tính bàn hay một địa chỉ điện thư để mở một tài khoảng Facebook, nhưng chỉ cần một số điện thoại là đủ. Và một điện thoại thông minh smartphone do Trung quốc sản xuất chỉ có giá khoảng 50 đô la trở lên tại Phi Châu. Thêm vào đó mạng Facebook dành cho điện thoại di động cũng được đơn giản hóa và không phải tốn kém gì tại Phi châu, nhờ những hợp đồng mà công ty của Mark Zuckerberg đã ký kết với các công ty điện thoại của hơn 20 quốc gia Phi châu. Phi châu được xem như lục địa vàng trong lãnh vực này, vì cho đến nay, chỉ có chưa đến 1/3 dân số Phi châu là biết xử dụng internet.
Cheik Fall, người Senegal 35 tuổi, đã thành lập mạng lưới liên Phi châu có tên gọi là africtivistes.org, với 150 thành viên thuộc 35 quốc gia, nói: ở Phi châu, Facebook không phải chỉ là một mạng xã hội mà thôi, nhưng đã trở thành một phương tiện truyền thông mà mọi người đều có thể vào được. Cũng thế, trên Facebook, còn có các nhóm Jeunesse consciente Giới trẻ có ý thức, với 190 ngàn thành viên, bàn thảo về hiện tình tại công hòaa dân chủ Congo; Police secours, cảnh sát cứu cấp, với 41 ngàn thành viên tại Cote D’Ivoire, chuyên hoạt động cứu cấp các tai nạn lưu thông, chống tham nhũng hối lộ vv..
Một mạng xã hội khác cũng rất được ưa chuộng tại Phi châu là WhatsApp vì cả những người mù chữ tại những nơi xa xôi hẻo lánh trên lục địa này cũng có thể xử dụng mạng để chia sẻ những đoạn video ngắn. Cheik Fall cho biết thêm là mạng africtiviste đã tạo được nhiều thành tích như 150 quan sát viên mạng để giám sát cuộc bầu cử tổng thống tại Senegal hồi năm 2012.
Còn cô Mylène Flicka, 20 tuổi, người Benin, đã thành lập một trang mạng truyền hình để thăng tiến các tài năng trong nước, thu thập đề nghị về đời sống công dân và tổ chức hệ thống trao đổi tin nhắn trực tuyến với các ứng cử viên cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 3 năm nay tại Benin.
Cô Flicka là một trong số rất ít phụ nữ hiện diện trên mạng internet ở Phi châu, cũng cảnh giác trước những nguy hại của mạng này, có thể bị lèo lái hay tung ra những tin vịt chống lại các ứng cử viên đối thủ. Nguy hại thứ hai là bị kiểm duyệt. Các vụ chặn mạng liên tiếp xảy ra mỗi khi có một cuộc khủng hoảng chính trị tại Congo, Tchad, Gabon và Etiopi. Mạng Africtiviste đã phải đưa 4 thành viên của mình trốn ra nước ngoài trong năm nay để tránh bị trả thù. (AFP 23.11.2016)
Mai Anh
Nguồn: Radio Vatican