“ Nếu dân chúng ở đây bị bệnh mà phải đi đến bệnh viện của các sơ thì họ sẽ chết trên đường đến bệnh viện, vì phải mất 6 tiếng đồng hồ mới đến nơi!”
Vào năm 2010, Đức cha Emmanuel Trance, giáo phận Catarman, miền bắc Samar, một trong những tỉnh nghèo nhất Philippines, đã yêu cầu các nữ tu dòng Biển đức ở Manila, hiện đang điều hành bệnh viện Ngôi Lời ở Tacloban, cách giáo phận của ngài hơn 200 cây số, mở thêm một bệnh viện khác cho dân chúng trong vùng. Ngài nói với các nữ tu: “ Nếu dân chúng ở đây bị bệnh mà phải đi đến bệnh viện của các sơ thì họ sẽ chết trên đường đến bệnh viện, vì phải mất 6 tiếng đồng hồ mới đến nơi!” Sơ giám tỉnh của Manila đã cầu nguyện và hội ý với các sơ. Có những ý kiến phản đối vì lý do thiếu tài chánh cũng như thiếu nhân lực, nhưng phần lớn các sơ đồng ý với dự án và ban lãnh đạo trung ương của dòng cũng đồng ý. Đó là lúc mà các phép lạ bắt đầu.
Điều đầu tiên các nữ tu cần chính là đất để xây bệnh viện. Một người thuộc gia đình giàu có đã đề nghị tặng cho các sơ mảnh đất do gia đình sở hữu và ông còn mua vé máy bay, trả tiền khách sạn để 4 sơ có thể đến để xem xét. Nhưng sau đó chính quyền cho biết mảnh đất nằm trong vùng nguy hiểm, vì thế các nữ tu lại bắt đầu tìm đất khác. Lúc đó, 3 nữ tu được gửi đến để bắt đầu một chương trình y tế tại cộng đồng ở Catarman. Vì các nữ tu chưa có nhà dòng ở đó nên họ thuê một nhà gần trường đại học Đông Philippines. Tình cờ người bạn của bà chủ nhà biết là các nữ tu đang tìm một nơi để xây dựng bệnh viện, bà đã tặng cho các sở một nửa của mảnh đất 7 mẫu vuông của mình để xây dựng bệnh viện. Thế là các nữ tu có mảnh đất rộng 3 mẫu rưỡi ở Pambujan, miền bắc Samar, để xây bệnh viện. Đây là phép lạ thứ nhất.
Các nữ tu vui mừng vì họ có thể dùng số tiền dành dụm vào việc xây cất. Sơ phụ trách mời một kiến trúc sư thiết kế bệnh viện với 25 giường nhưng số tiền dành dụm của các sơ chưa đủ được một nửa yêu cầu. Thế là phép lạ thứ hai xảy ra. Vào năm 2011, thế giới kỷ niệm 100 năm ngày quốc tế phụ nữ. Tổ chức giải phóng phụ nữ ở New York đã đề ra danh sách 100 phụ nữ nổi bật trên thế giới, trong đó có bà Hillary Clinton, Oprah Winfrey, Melinda Gates (vợ tỉ phú Bill Gates), hoàng hậu Rania Al-Abdullah của Giordani và một ngạc nhiên, đó là nữ tu Mary John, giám tỉnh dòng Biển đức ở Philippines. Báo Philippine Daily Inquirer của Philippines đưa tin về sự kiện này và một độc giả của bài báo đã muốn gặp sơ Mary John. Đó là một phụ nữ khoảng 45 tuổi, bà hỏi sơ Mary John xem sơ có dự án nào không. Thế là sơ kể cho bà nghe về giấc mơ xây bệnh viện cho người nghèo ở tỉnh Samar xa xôi đó. Người phụ nữ trả lời: “Tốt, đó là loại dự án mà quỹ của chúng tôi muốn tài trợ.” Rôi bà ta hỏi sơ Mary John, “sơ có nhớ tôi không?” Sơ Mary John là khoa trưởng của học viện thánh Scholastica 18 năm nhưng với khoảng gần 2000 học sinh trong thời gian 18 năm, sơ không thể nhớ nổi phụ nữ này là ai. Bà bắt đầu kể: “Tôi đến từ một gia đình rất nghèo có 10 người con. Chúng tôi nghèo đến nỗi không có được cái bàn để ngồi làm bài vở. Chúng tôi chỉ ngồi ở cầu thang để làm. Sơ đã cho 3 chị em tôi học bổng. Bây giờ một người là quản lý nhà hàng, một người là nhà tâm lý và tôi là kế toán. Không có các học bổng này chúng tôi đã không thể học xong chương trình.” Người phụ nữ này chính là Fe Perez-Agudo, chủ tịch và giám đốc điều hành của hãng Hyundai Á châu và hãng này có một ngân quỹ.
Vài ngày sau, sơ Mary John và bà Agudo thăm lại học viện thánh Scholastica, bà Agudo chỉ cho sơ băng ghế gần lối vào, nơi khi còn là học sinh bà thường ngồi đợi cho nguôi cơn đói. Agudo không có tiền ăn trưa, nhưng biết là các nhân viên nấu súp ở đàng sau quầy ăn, nên cô chỉ mua một chén súp. Đôi khi cô còn không có tiền để mua. Bụng đói, Agudo vào nhà nguyện ngồi đợi đến 2 giờ trưa để học lớp kế toán. Thình thoảng một nhân viên không thấy Agudo ở gần quanh đó, đã mang một bát súp đến nhà nguyện cho cô. Bà Agudo đã cam kết là quỹ Hyundai sẽ xây toàn bộ bệnh viện và cả tu viện nối liền cho các nữ tu!
Tháng 5 năm 2013, tu viện của các sơ được khánh thành với 1 trạm xá nhỏ đàng trước. Một nữ tu chữa bệnh cho các bệnh nhân. Bệnh nhân đầu tiên trả công chữa bệnh mang đến một quả bí đao! Các nữ tu nhận rau quả, trứng và có khi cả gà từ các bệnh nhân. Các sơ quyết định là để tùy khả năng của bệnh nhân. Các sơ phát thuốc miễn phí. Nhưng các sơ cũng lo lắng không biết sẽ lấy đâu ra tiền trả cho các bác sĩ, y tá và các nhân viên khác. Thế là các sơ quyết định lập một quỹ góp vốn để trả lương.
Rồi khi các nữ tu muốn có một phòng khám di động vì dân chúng ở vùng hẻo lánh không có phương tiện đến bệnh viện, thì các sơ lại nhận được sự giúp đỡ từ văn phòng phục vụ của dòng Biển đức để mua một chiếc xe van, và tổ chức Missio trợ giúp tài trợ các dụng cụ. Phép lạ thứ 3! Năm 2014, bệnh viện xây gần xong, chỉ còn thiếu nhà nguyện. Gia đình của vị luật sư định tặng mảnh đất đầu tiên cho các nữ tu đã đóng góp để xây nhà nguyện. Vào tháng 7 năm nay, quý Hyundai đã giao bệnh viện cho các sơ và ngày 28 tháng 8 các sơ đã có một nhà nguyện xinh đẹp ở giữa bệnh viện. Đó là phép lạ thứ tư. (National Catholic Reporter 8/11/2016)
Hồng Thủy
Nguồn Radio Vatican