Thứ tư tuần 3 Mùa Vọng năm A

Lời Chúa: Lc 7, 19-23
Tác giả: Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái và Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Ông Gioan liền gọi hai người trong nhóm môn đệ lại, 19sai họ đến hỏi Chúa rằng: "Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?" 20Khi đến gặp Đức Giêsu, hai người ấy nói: "Ông Gioan Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy: "Thầy có thật là "Đấng phải đến" không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?" 21Chính giờ ấy, Đức Giêsu chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy. 22Người trả lời hai người ấy rằng: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, 23và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi."

Bài giảng Thứ tư tuần 3 Mùa Vọng năm A

Tải file tại đây: Bài giảng Thánh lễ Thứ tư tuần 3 Mùa Vọng năm A

Suy niệm: 

A. Phân tích ( Hạt giống...)
Gioan Tẩy giả là người dọn đường cho Đấng Messia nhưng đang bị Hêrôđê giam trong ngục tù. Ở trong tù, Gioan nghe biết hoạt động của Đức Giêsu. Một mặt ông nghĩ Ngài chính là Đấng Messia mà ông loan báo là sắp đến. Nhưng mặt khác, ông hơi nghi ngờ, bởi vì theo ông thì Đấng Messia là một quan tòa xét xử, trừng trị kẻ ác, thế mà ông chưa thấy Đức Giêsu xét xử và trừng trị ai cả. Vì thế ông sai môn đệ đến hỏi, xin Đức Giêsu nói rõ Ngài có phải là Đấng Messia phải đến hay không.
Đức Giêsu không trả lời thẳng, mà bảo các môn đệ Gioan về kể lại cho Thầy họ những điều họ đã thấy Đức Giêsu làm : cho kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, và kẻ nghèo được nghe Tin Mừng. Đây chính là hình ảnh Messia mà tiên tri Isaia đã mô tả. Nhưng không phải là một Messia thẩm phán, mà là một Messia Tôi Tớ phục vụ.
Đức Giêsu cũng biết rằng hình ảnh Messia Tôi tớ quá ngược với hình ảnh Messia Thẩm phán mà Gioan vẫn có trong đầu. Cho nên Ngài nhắn thêm với Gioan : “Phúc cho người nào không vấp ngã vì tôi”.
B. Suy niệm ( ... nảy mầm)
1. Chính Gioan Tẩy Giả mà còn nuôi một hình ảnh một Đấng Messia uy quyền xét xử và trừng trị kẻ gian ác, huống chi chúng ta. Chúng ta cũng nuôi một hình ảnh Thiên Chúa uy quyền, một hình ảnh Giáo Hội hiển hách. Vì thế chúng ta thường khoe với người khác về cách tổ chức, về những hoạt động, những thành tích v.v. của đạo. Chúng ta tưởng rằng như thế thì người ta sẽ mến và trọng Thiên Chúa và Giáo Hội của chúng ta.
Nhưng Đức Giêsu thì không muốn thế : Thiên Chúa mà Ngài trình bày là một Thiên Chúa nhân từ, yêu thương, tha thứ ; về bản thân thì Ngài muốn cho người ta thấy Ngài là Đấng Cứu Nhân Độ thế. Mà quả thật, những hình ảnh loại này mới có sức cảm hóa và thuyết phục người ta.
Nói cụ thể, thay vì phô trương cho người ta thấy những nét huy hoàng của đạo, thay vì cãi nhau với người ta để tôn cao Giáo Hội, chúng ta, qua cách sống và hành động của mình, hãy cho người ta thấy rằng chúng ta và Giáo Hội chúng ta tha thiết muốn làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người bệnh được khoẻ, kẻ nghèo được ấm no, người khổ được an ủi v.v.
2. Mẹ Têrêxa Calcutta là người cho thế giới thấy rõ nhất hình ảnh Đấng Messia quan tâm cứu giúp những kẻ khốn khổ. Nhưng tiếc thay Mẹ Têrêxa không còn nữa ! Mà thế giới thì vẫn luôn cần có những người như Mẹ. Ước gì trong Giáo Hội nổi lên những Têrêxa Calcutta khác. Ước gì tôi cũng là một Têrêxa Calcutta khác.
3. “Hay là chúng tôi phải đợi một Đấng Messia khác” : nếu Giáo Hội không là một Messia cứu nhân độ thế, thì người ta sẽ đi tìm Đấng cứu nhân độ thế ở chỗ khác. Nếu cộng đoàn của tôi không phải là một nơi cứu nhân độ thế, thì người ta sẽ tìm đến những chỗ khác. Nếu tôi không phải là một người cứu nhân độ thế, thì dù tôi là Linh mục, tu sĩ hay kitô hữu, tôi cũng chẳng có giá trị gì cho người tôi mong đợi, người ta sẽ đi tìm một người khác.
4. Mùa Vọng là thời gian mong chờ Đấng Messia, và Giáo Hội muốn nói cho những người thời nay biết rằng họ có thể tìm thấy nơi chính Giáo Hội Đấng Messia mà lòng họ mong chờ. Nhưng liệu Giáo Hội có thuyết phục được họ không ?
5. Trong tác phẩm “Ngày của Đức Kitô chết” của Jim Bishop, có một đoạn mô tả những gì người do thái cảm thấy về việc Đấng Cứu Thế đến :
“Việc Đấng Cứu Thế đến là nỗi ám ảnh của cả một quốc gia, là niềm vui ngoài mức tưởng tượng, là hạnh phúc vượt khỏi niềm tin, là niềm an ủi cho những vất vả của con người, là hy vọng của dân đang bị xiềng xích tủi nhục. Đấng Cứu thế luôn là sự hứa hẹn cho buổi sáng ngày mai.” ("Mỗi ngày một tin vui")

Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu, Thánh Thể Chúa là sức sống, là thần lương nuôi dưỡng linh hồn chúng con. Xin Thánh Thể Chúa chữa lành hồn xác chúng con khỏi vương vấn tội lỗi, khỏi khổ đau của tật nguyền. Xin Thánh Thể Chúa nên phương dược chữa lành hồn xác chúng con. Xin cho chúng con biết tìm đến và nương nhờ vào lòng Chúa xót thương.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Chúa đã yêu thương chúng con vô ngần. Chúa yêu thương hết mọi người. Chúa luôn chăm sóc mọi người chúng con. Chúa đã thực thi sứ mệnh của Đấng Messia khi giải thoát cho kẻ què, người mù. Chúa đã mang tin vui bình an đến cho mọi cảnh đời đang chìm đắm trong thất vọng buồn đau. Xin giúp chúng con biết mang tin vui Chúa đến cho anh em qua đời sống bác ái yêu thương, qua sự dấn thân quảng đại phục vụ mọi người.
Lạy Chúa, mùa vọng là thời gian mong chờ Chúa đến, xin cho đời sống chúng con luôn là dấu chỉ cho Nước Chúa trị đến qua hành vi bác ái của chúng con. Amen

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Nguồn WGPSG