A. Phân tích (Hạt giống...)
Đoạn này mở đầu một đơn vị văn chương được gọi là “diễn từ chung luận” (Lc 21,5-36), trong đó Chúa Giêsu bàn đến những vấn đề “chung kết” của lịch sử là : sự sụp đổ của thành Giêrusalem, ngày tận thế, và ngày Đức Kitô quang lâm. Diễn từ này khó hiểu, một phần vì được viết theo văn thể khải huyền, phần khác vì 3 biến cố trên được nhắc đến xen lẫn nhau khiến người đọc không biết rõ những câu nào nói đến biến cố nào.
- các câu 5-6 : Chúa Giêsu tiên báo thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá.
- câu 7 : thính giả liên tưởng tới ngày tận thế nên hỏi Chúa Giêsu khi nào thì tận thế và có dấu nào báo trước không.
- câu 8-11 : Chúa Giêsu không muốn cho biết những dấu chỉ rõ ràng về ngày tận thế. Bởi đó trước tiên Ngài khuyên người ta chớ tin vào những dấu chỉ mà người này người nọ đưa ra cho rằng sắp tận thế. Kế đó Ngài dùng những hình ảnh khải huyền khó hiểu để nói một cách úp úp mở mở rằng khi tận thế thì những gì xưa nay người ta cho là chắc chắn đều sẽ lung lay.
- các câu 12-19 : Chúa Giêsu báo trước cho môn đệ mình biết rằng có một thời kỳ Giáo Hội sẽ bị bắt bớ. Rồi Ngài dạy họ phải sống thế nào trong thời kỳ đó : hãy coi những khốn khó đó là dịp để ta làm chứng cho Chúa (câu 13) ; đừng sợ phải bào chữa thế nào, vì Ngài sẽ ban cho họ sự khôn ngoan mà kẻ thù không thể nào thắng được (cc 14-15) ; đừng sợ khi bị bắt bớ và thù ghét, vì vẫn có Chúa quan phòng trong tất cả những hoàn cảnh éo le đó (cc 16-18) ; phải kiên trì (câu 19).
B. Suy niệm ( ...nảy mầm)
1. Mọi công trình con người xây dựng, dù cho kiên cố và quý giá đến đâu đi nữa, kể cả Đền thờ Giêrusalem... tất cả đều sẽ có ngày sụp đổ. Chẳng có gì bền vững ở thế giới này. “Trăm năm bia đá cũng mòn” ; “Phù hoa nối tiếp phù hoa, trần gian tất cả chỉ là phù hoa. Hoa nào không phai tàn ? trăng nào không khuyết ? ngày nào mà không có đêm ? yến tiệc nào không có lúc tàn ?”
2. Triết lý Á Đông : “sự vật hễ có hình thì có hoại”.
3. Trong tuần lễ cuối cùng của năm Phụng vụ, Lời Chúa nhắc chúng ta hãy suy nghĩ về những vấn đề cuối cùng của đời người : chết, phán xét, số phận đời đời...
4. Các nhà văn muốn viết một quyển truyện hay thường nghĩ trước phần kết của câu truyện. Chúng ta muốn viết quyển truyện đời mình cho hay thì cũng phải nghĩ trước về ngày chết của mình, đừng như nhân vật trong chuyện dưới đây :
“Nhà khoa học Huxley đang gấp vì sợ đền trễ phiên họp trong đó ông phải đọc một bài tham luận. Ông nhảy lên một chiếc xe ngựa và bảo người đánh ngựa “Hãy chạy hết tốc lực”. Xe chạy một quãng, ông mới giật mình hỏi “Nhưng mà ta đang chạy đi đâu vậy ?”. Người đánh ngựa đáp : “Tôi cũng chẳng biết, chỉ biết là xe đang chạy hết tốc lực”. (Clifton Gadiman).
5. Cả cuộc sống êm ả lẫn cuộc sống bất ổn cũng đều tiềm tàng những thuận lợi và những hiểm nguy cho đời sống thiêng liêng. Vấn đề là làm sao luôn rút được ích lợi ngay giữa hai tình cảnh đối nghịch đó :
- Nếu được sống triền miên trong sự êm ả (Td : sống trong một xã hội sung túc đầy đủ, không bao giờ phải lo chiến tranh hoạn nạn…) người ta sẽ dễ an tâm sống đạo thờ phượng Chúa. - Nhưng cũng dễ rơi vào chỗ coi thường, bất cần đến đạo, bất cần đến Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, mỗi khi dân Chúa li bì trong cảnh thái bình mà đâm ra trụy lạc, tự mãn, không coi Thiên Chúa ra gì, thì thường xuất hiện vị ngôn sứ loan báo tai hoạ để nhắc nhở dân (gọi là ngôn sứ báo hoạ).
- Ngược lại, nếu luôn phải sống trong phập phồng lo sợ, người ta dễ thấy mạng sống mình mong manh, thấy của cải vật chất không giúp bảo đảm gì nhiều cho mình. Khi đó người ta dễ chạy đến với Chúa. - Nhưng nếu cứ phải sống triền miên trong bất ổn, cuộc đời dễ mất ổn định và khó lòng đạt được những hoa trái của sự bình an. Suy niệm đời ông Gióp giúp ta hiểu rõ hơn.
6. “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,6)
Ồ một chiếc bông hồng vừa hé nở đẹp quá ! Thế mà chỉ vài ngày sau nó đã tàn úa, vì đó chỉ là những vẻ đẹp chóng qua.
Đền thờ Giêrusalem, một công trình mất đến 40 năm mới hoàn tất, vậy mà Chúa bảo rồi sẽ có ngày bị tàn phá. Giữa những vẻ đẹp nhân tạo, những vẻ đẹp của trần thế chóng qua, Chúa muốn tôi tìm kiếm vẻ đẹp không bao giờ tàn úa. Chỉ có vẻ đẹp của tâm hồn, chỉ có sự thánh thiện mới không có gì phá huỷ được. Vẻ đẹp đó chỉ có thể tô điểm bằng yêu thương và phục vụ.
Lạy Chúa, xin cho con biết yêu thương và phục vụ, để giữ mãi vẻ đẹp của tâm hồn. (Hosanna)
7. Câu 13 : gian nan khốn khổ là những cơ hội để làm chứng. Những cha mẹ giàu cho con cái rất nhiều tiền nhưng chúng vẫn không tin rằng cha mẹ thương chúng, bởi vì chúng chưa có “bằng chứng” về sự tận tụy cực khổ của cha mẹ. Bởi thế, Chúa Giêsu đã chịu nạn chịu chết để chứng tỏ cho loài người biết Thiên Chúa yêu thương họ. Cũng vì thế, các tông đồ rất vui mừng khi bị bách hại, vì đó là dịp họ chứng tỏ tấm lòng của họ đối với Chúa.
8. Trong Tin Mừng có nhiều “lời hứa” rất đáng sợ : “Chúng con sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp” ; “Họ sẽ giết một số người trong chúng con” ; “Vì danh Thầy, chúng con sẽ bị mọi người thù ghét” v.v. Tại sao thế ? Bởi vì đó chính là con đường mà người môn đệ phải đi : “Ai muốn theo ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34) ; và đó cũng chính là hạnh phúc thật của người môn đệ Chúa “Phúc cho ai bị bắt bớ vì sự công chính” (Mt 5,10).
9. Có lúc nào đó chúng ta thử chậm rãi đọc lại những lời thấm thía trong kinh cầu các thánh tử đạo Việt Nam :
- “Là chứng nhân anh dũng của Đức Kitô”,
- “Là thành phần trung kiên của Hội Thánh”,
- “Xưa Chúa đã ban cho các Ngài được vững tin vào Lời Chúa, và đầy sức mạnh của Thánh Thần, nên các Ngài đã cam lòng chịu gian lao đau khổ, quyết một lòng theo Đức Kitô trên con đường thập giá và hy sinh đến giọt máu cuối cùng”,
- “Các Ngài đã hy sinh tất cả vì đức tin”...
10. Kiên trì trong nhiệm vụ : Nhiệm vụ của đồng là mỗi giây phải kêu lên một tiếng tic-tac. Một chiếc đồng hồ trẻ vừa sinh ra từ một hãng chế tạo được đưa về đặt trong phòng khách một gia đình. Cậu bé làm bài toán về những tiếng tic-tac mình phải phát ra : mỗi phút 60 giây, một giờ 60 phút, một ngày 24 giờ, một tháng 30 ngày, một năm 12 tháng. Cậu rùng mình sợ hãi vì không biết mình phải làm nhiệm vụ bao nhiêu năm. Thấy thế, cụ đồng hồ già đứng ở xó nhà lên tiếng an ủi : “Cháu ơi đừng quá lo sợ như thế. Bác đã làm công việc này suốt 3 thế hệ rồi. Kinh nghiệm của bác là chỉ cần để ý mỗi giây phát ra một tiếng thôi”. (Bruno Hagspiel)
11. “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,19)
Một chàng thanh niên nọ bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng mẹ. Nhờ tình thương của ông bà cụ, anh thoát chết. Được sự nuôi nấng của gia đình, theo thời gian, anh lớn lên, rồi trở thành một ngư phủ. Hằng ngày anh ra khơi đánh cá về giúp cha mẹ nuôi. Cuộc sống tưởng êm đẹp. nào ngờ một hôm tai họa ập đến, anh bị thương trầm trọng do tai nạn thuyền gây ra. Mặc dù đã bán hết tài sản để chữa chạy nhưng anh vẫn không khỏi bệnh. Bố mẹ anh “gạt nước mắt” làm một cái chòi ở đầu đường rồi đặt anh vào đó để anh được sống nhờ lóng thương xót của khách qua đường. Do không được săn sóc, người anh mọc đầy ghẻ lở. Bệnh tật ngày một tăng, cơ thể hao mòn, cuộc đời như đã mất…
Nhưng rồi Thiên Chúa lại mỉm cười với anh. Với những lời động viên, an ủi, khuyến khích của bố mẹ nuôi mới, anh đã cố gắng kiên nhẫn tập luyện : mỗi ngày 1 giờ, rồi 2 giờ, 3 giờ và cứ thế… Bây giờ trong anh bừng lên một niềm vui sung sướng, hạnh phúc : Tôi sẽ bình phục.
Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì Chúa luôn ở với con, gìn giữ con và nâng đỡ con. (Hosanna)
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái