Chúa Nhật Tuần thứ XXV Thường niên B

Lời Chúa: Lời Chúa: Mc 9,29-36
Tác giả: Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

Khi ấy, Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê. Nhưng Đức Giêsu không muốn cho ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại." Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.  Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy? " Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."
 
Bài giảng Chúa Nhật Tuần thứ XXV Thường niên B

Tải file tại đây: Bài giảng Thánh lễ Chúa Nhật Tuần thứ XXV Thường niên B

Suy niệm: 

1. "Trên đường", một lời loan báo làm hoang mang

Ngay sau khi Phêrô tuyên tín ở miền Xêsarê Philípphê, lần đầu tiên, Đức Giêsu loan báo cuộc thương khó và sống lại của Người (Mc 8,27-31). Sau cuộc hiển dung trên núi cao (Mc 9,2-8), Chúa đang băng qua miền Galilê cùng các môn đệ. "Người không muốn cho ai biết", Thánh sử ghi rõ, bởi vì từ nay Ngài không muốn dùng thời gian để huấn luyện các môn đệ. Người cố gắng hướng dẫn các ông chấp nhận cái viễn tưởng đảo lộn hướng tư duy là: một Đấng Mesia bị chính dân Người ruồng bỏ.

"Trên đường", địa điểm tượng trương cho cuộc hành trình về Giêrusalem, Người giáo huấn họ bằng cách nhắc lại lời loan báo lần trước: "Con người sẽ bị nộp vào tay người đời, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” Từ ngữ Chúa dùng hầu như giống hệt lần trước. Cũng như câu (8,31), Đức Giêsu nói về chính mình bằng cụm từ "Con người", một nhân vật bí nhiệm và uy quyền, mà ngày tận thế sẽ đến trên đám mây để phán xét loài người (Đn 7,13-14).

Nhưng khác lần trước, lần đó Chúa loan báo Người sẽ phải "chịu đau khổ nhiều, bị các kì mục thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ", còn ở đây, Người chỉ nói "bị nộp vào tay người đời", giống như những vị tử đạo trong Cựu Ước bị nộp vào tay quân bách hại.

Khi áp dụng cách nói này là cho chính mình, Đức Giêsu coi cuộc khổ nạn của Người giống với cuộc bách hại các ngôn sứ và người công chính trong Cựu Ước phải chịu; và Người cũng dẫn bước trên con đường trung tín với Thiên Chúa đến tận cái chết. "Bị nộp": Đức Giêsu quả thật đã bị Giuđa nộp cho thượng tế, bị các thượng tế nộp cho Philatô và sau cùng Philatô giao cho lý hình.

Một chi tiết đáng ngạc nhiên: Đức Giêsu nói về cuộc khổ nạn của Người ở thì hiện tại: "Con người bị nộp vào tay người đời....” Chắc chắn Thánh sử muốn chỉ một tương lai gần, khi dùng thì hiện tại. Nhưng cũng có thể ông muốn nói rằng kế hoạch cứu độ của Chúa Cha đã bắt đầu được thực hiện, tuy không thấy nhưng cũng không thể đảo ngược.

Các môn đệ vẫn một mực nghe mà không hiểu. H.Hervieux giải thích: "Vẫn là vấn đề 'không hiểu' của các môn đệ trước những cố gắng của Đức Giêsu, khi Người muốn đưa các ông vào mầu nhiệm cuộc đời. Như ta đã thấy, Phêrô đã tỏ thái độ phản loạn đích thực khi nghe loan báo về cái chết của Chúa (Mc 8,32). Còn lần này, tâm trí kín mít của các môn đệ được tỏ rõ bằng cách các ông không dám hỏi Thầy, không dám bàn tiếp về các thử thách đang chờ đợi Thầy. Qua đó, chúng ta thấy rằng trực diện với cái chết khó chừng nào!"

2. "Ở nhà", một lời dạy gây kinh ngạc

Giờ đây chúng ta "ở Caphacnaum" tức là "ở nhà", địa điểm tượng trương cho những cuộc trò chuyện kín đáo, chủ ý dạy dỗ các môn đệ.

Với cương vị một tôn sư dầy dạn kinh nghiệm, Người hỏi các ông về đề tài mà trên đường các ông đã tranh luận sôi nổi, những cuộc tranh luận mà người ta thường coi là quan trọng trong quá trình huấn luyện của các vị tôn sư. Các ông không dám nói thật nên ngậm miệng làm thinh. Bởi vì trong khi Thầy mình loan báo về con đường khổ nạn sắp tới, thì các ông chỉ tranh luận về ngôi thứ, về địa vị: "Các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả."

Rồi Đức Giêsu ngồi xuống gọi "Mười hai ông lại". "Mười hai ông" một danh xưng hiếm thấy nơi Máccô, điều đó nghĩa là giáo huấn mà Chúa sắp nói đây nhắm đến nhóm các tông đồ, những người nắm giữ trọng trách Giáo hội tương lai. Giáo huấn này đảo lộn ngôi thứ thường tình trong phẩm trật nhân loại: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người".

J.Hervieux giải thích: "Chúa lấy người rốt hết đối chọi với người đứng đầu, lấy người đầy tớ mọi người đối chọi với người cai quản. Điều nghịch lý này tất nhiên có nghĩa rõ rệt nhất khi nhìn cuộc đời Đức Giêsu, Đấng đã thực hiện trong bản thân và trong sứ mạng của Người. Người là Đấng cao cả hơn hết đã tự đặt mình vào chỗ rốt hết đễ phục vụ mọi người."

Và để biết chắc mọi môn đệ đều hiểu, Chúa đã soi sáng lời nói bằng một cử chỉ đầy ý nghĩa. Thời đó, người ta coi trẻ nhỏ là "đồ bỏ", vậy Đức Giêsu đem một trẻ nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy và nói: "Ai tiếp đón một em bé nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. Và ai tiếp đón Thầy thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."

J.Hervieux giải thích tiếp: "Cử chỉ này có một tầm quan trọng không ngờ. Đem một em nhỏ đặt vào giữa các môn đệ và ôm hôn nó: các cử chỉ này đều đi ngược phong tục hồi đó. Xã hội cổ đại không quan tâm đến trẻ em. Trái lại, thay vì đối xử với chúng như những người sẽ lớn, người ta coi chúng như "vô giá trị", như đồ bỏ. Tục lệ còn dạy người ta loại bỏ, khai trừ chúng ra khỏi cộng đoàn tôn giáo vì chúng không hiểu biết lề luật."

Như vậy đặt một em bé nhỏ vào giữa nhóm môn đệ, em nhỏ ở đây tượng trưng cho những người nghèo, những người bị loại trừ, Đức Giêsu đã trả lời rõ ràng cho các vấn đề các ông tranh cãi lúc đi đường: "Ai là người lớn nhất?". "Tìm kiếm vinh dự là điều trơ trẽn nơi những người theo Đức Giêsu, lúc Người đang bước vào con đường khổ nhục của cái chết. Làm "đầy tớ" mọi người, làm pháo đài Hội thánh cho những người hèn kém nhất, những người nghèo đói nhất, đó là "dịch vụ" mà Đức Giêsu tuyên truyền cho các môn đệ phải thi hành. Để thêm trọng lượng cho giáo huấn này, Đức Giêsu kết luận bằng từ "đón nhận". Người là Đấng Chúa Cha sai đến. Đón nhận Người qua những ai nhỏ bé là đón nhận chính Thiên Chúa. Thiên Chúa mặc hình dáng một trẻ nhỏ, đó là một sứ điệp bất ngờ, rất độc đáo của trang Tin Mừng hôm nay".

Bài Ðọc I: Kn 2, 12. 17-20

"Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã".

Trích sách Khôn Ngoan

(Những kẻ gian ác nói rằng:) "Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Vậy chúng ta hãy xem điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó!"

Bài Ðọc II: Gc 3, 16 - 4, 3

"Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình".

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan. Nhưng sự khôn ngoan từ trời xuống, thì trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình.

Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ. Anh em không có là tại anh em không xin. Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng, cứ mơ tưởng thoả mãn các đam mê của anh em.