Chúa Nhật 31 thường niên B

Lời Chúa: Lời Chúa: Mc 12,28b-34
Tác giả: Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

Khi ấy, có một người trong nhóm Kinh sư tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả trái tim ngươi, tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí tuệ ngươi, tất cả sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu mến người thân cận với ngươi như chính mình ngươi. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn nhũng điều răn đó.” Ông kinh sư nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” Đức Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.
Bài giảng Chúa Nhật 31 thường niên B

Tải file tại đây: Bài giảng Thánh lễ Chúa Nhật 31 thường niên B

Suy niệm: 

1. Ai có thể yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực? Chúng ta có hy vọng chu toàn được nhiệm vụ này chăng? Ai có thể nói rằng mình đã yêu mến Thiên Chúa cách trọn vẹn như thế? Cách thức chúng ta cư xử với Thiên Chúa như thế nào? Lại không phải là chẳng mấy khi chúng ta nghĩ đến Ngài, chúng ta không có giờ cho Ngài, chúng ta cứ ở trong tình trạng bất ổn và ngờ vực sao? Yêu thương mà lại theo lệnh được và muốn yêu là yêu sao? Thật ra, với điều răn này, Đức Giêsu không nêu ra một công việc có thể làm ngay bằng một hành vi nào đó, nhưng nêu ra một bổn phận kéo dài suốt đời. Yêu mến Thiên Chúa trọn vẹn là mục tiêu của cuộc đời chúng ta.

2. Nếu chúng ta chỉ dâng các hy lễ, nếu chúng ta chỉ nói lên những công thức cầu nguyện, nếu chúng ta chỉ dâng những điều khác với bản thân chúng ta mà chúng ta không hề dấn thân vào đó thực sự, chúng ta không yêu mến là chúng ta đánh mất ý nghĩa, chiều hướng của đời sống chúng ta.

3. Tình yêu trước tiên không phải là một tình cảm, một cảm xúc của con người, nhưng là tất cả bản thân chúng ta hiến dâng lên Thiên Chúa cùng với các sức lực và khả năng. Yêu mến là ra khỏi tình trạng thụ động, trơ ì, lãnh đạm, tìm thoải mái riêng tư, hời hợt, ngờ vực, để hướng về Thiên Chúa cách năng động mạnh mẽ và cương quyết, với một sự quan tâm sâu xa, tha thiết, sống động. Yêu mến Thiên Chúa là vận dụng tất cả năng lực trí tuệ và ý chí để hiểu biết Ngài, gặp gỡ Ngài, đón tiếp Ngài trọn vẹn, để được Ngài nắm lấy và lấp đầy. Nói cho cùng, yêu mến Thiên Chúa là luôn cố gắng mở ra với Ngài mãi.

4. “Nghe đây, hỡi Ítraen”. Đức Giêsu nhắc lại một lời kêu gọi của Cựu Ước, nhưng ở bên trong sứ điệp của Người, đây cũng là một lời mời gọi lắng nghe chính Người và hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa, là Đấng đến tỏ mình ra cho ta nơi Đức Giêsu. Đối với chúng ta, vì muốn yêu mến Thiên Chúa, trong khi đì tìm Thiên Chúa, để có thể yêu mến vị Thiên Chúa chân thật, chúng ta phải lắng nghe Đức Giêsu.

5. Nói rằng tình yêu đối với người thân cận cũng phải có cùng một bản chất với tình yêu đối với chính bản thân ta, có nghĩa là chúng ta chấp nhận người thân cận trong tính riêng tư độc đáo của họ, chúng ta nhìn nhận họ cũng được Thiên Chúa muốn có và tạo thành như chúng ta. Điều răn yêu thương người thân cận có nền tảng và diễn tả ra là chúng ta – tôi và người thân cận – chúng ta đều mắc nợ tình yêu Thiên Chúa như nhau. Tình yêu đối với Thiên Chúa cũng là một tiếng thưa “xin vâng” với sự an bài của Thiên Chúa.

6. Thật ra, điều răn này không có ý san bằng mọi người. Điều răn này phát xuất từ giả thiết là mọi khác biệt đều phụ thuộc; rằng mọi người về căn bản đều ở trên một bình diện như nhau, đều có tầm quan trọng, có giá trị, phẩm giá như nhau.

Với bài đọc Phúc Âm hôm nay, chúng ta được chứng kiến giây phút hoà hợp lạ lùng giữa Chúa Giêsu và một kinh sư. Kinh sư hỏi Chúa: “Thưa thầy trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?” Chúa trả lời: “ Điều răn đứng hàng đầu là, nghe đây hỡi Israel, Đức Chúa Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” Giây phút này là cuộc gặp gỡ và đồng thuận hoàn hảo nhất giữa hai truyền thống Công giáo và Do thái. Tình yêu Thiên Chúa vượt hẳn các đòi hỏi, luật lệ, tuân thủ và trung thành khác của tôn giáo. Hẳn quí vị “bảo thủ” nghe Chúa tuyên bố phải giật mình. Bởi tình yêu này thúc đẩy chúng ta cho đi bản thân mình hoàn toàn, khi đó tình yêu đồng loại là tất yếu. Nó là thể hiện rõ nét tình yêu của ta đối với Chúa. Nếu không lấy gì làm bằng chứng? Tình yêu Thiên Chúa chỉ có tính “xác thực” khi nó cụ thể hoá nơi tha nhân. Thiên Chúa đến với chúng ta trong sự có mặt của anh chị em đồng loại: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” Ông kinh sư nói với Đức Kitô: “Thưa thầy, hay lắm thầy nói rất đúng”

Đón nhận nước trời với tấm lòng của một trẻ thơ: đơn sơ, tin cậy, phó thác, khó nghèo như Ngài dạy bảo. Chúng ta cần phải nhận ra rằng mình không thể vào nuớc đó bằng sức riêng, tuân giữ lề luật, ăn chay, bố thí, hay bất cứ công việc đạo đức nào khác, mà phải hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa để được ơn làm thành phần nước trời, phải tôn trọng giới răn mến Chúa yêu người hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và sức lực mình. Xin lưu ý từ đầu Phúc Âm Marcô, Gioan tẩy giả tiên báo là có Đấng đến sau ông, lớn hơn ông sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần (1, 7-8). Chúa Giêsu ứng nghiệm lời hứa ấy. Ngài ban ơn sự sống là quà tặng của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần sẽ cung cấp khả năng cho chúng ta chu toàn giới răn mến Chúa yêu người mà Ngài vừa dạy thầy thông luật. Ông ta không còn xa nước Thiên Chúa bao nhiêu, nhưng không thể vào nếu không được ân thiêng Thiên Chúa đổ xuống. Liệu chúng ta có nhận ra sự thật, hay vẫn nghênh ngang tự cao tự đại? Phong mình là thần thánh, bước vào nước trời bất cần Thiên Chúa.

Bài Ðọc I: Ðnl 6, 2-6

"Hỡi Israel, hãy nghe đây: Ngươi hãy yêu mến Chúa hết lòng ngươi".

Bài trích sách Ðệ Nhị Luật.

Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con cái cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài.

"Hỡi Israel, hãy nghe đây mà tuân hành các điều Chúa truyền dạy cho ngươi, thì ngươi được phần phúc và sinh sản ra nhiều hơn, như lời Chúa là Thiên Chúa tổ phụ ngươi đã hứa ban cho ngươi phần đất chảy sữa và mật.

"Hỡi Israel, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Những lời tôi truyền cho ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng".

Bài Ðọc II: Dt 7, 23-28

"Vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu".

Bài trích thư gởi cho tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, có nhiều người làm tư tế (của Giao Ước cũ), vì lẽ sự chết ngăn trở họ tồn tại lâu bền. Còn Ðức Kitô, vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu. Bởi đó, Người có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta.

Phải, vì chúng ta cần một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng lên của lễ trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính mình. Vì Lề luật thì đặt những người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật thì đặt Người Con hoàn hảo làm Thượng tế đến muôn đời.