Tài liệu chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân

CHUẨN BỊ CHO NGƯỜI TRẺ BƯỚC VÀO ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN
Đối với cộng đoàn Kitô hữu, những người kết hôn là “một tài nguyên quí giá vì, trong khi chân thành dấn thân lớn lên trong tình yêu và tự hiến cho nhau, họ có thể góp phần đổi mới chính tấm áo dệt nên toàn bộ thân thể Hội thánh: một hình thức đặc biệt tình ban mà họ đang sống có thể trở thành mẫu dễ làm lan tỏa, và làm tăng trưởng tình thân hữu và huynh đệ trong cộng đoàn Kitô hữu mà họ thuộc về”[1] (Amoris laetiotia 207).
 
Chương trình mục vụ năm 2017:
GIỚI THIỆU
Đức Giáo hoàng và các Nghị phụ Thượng Hội Đồng Giám mục khuyến nghị các cộng đoàn Kitô hữu, đặc biệt tại các giáo xứ và giáo phận: “Thực tại xã hội phức tạp và những thách đố mà ngày nay các gia đình đang phải đối diện đòi hỏi toàn thể cộng đoàn Kitô hữu dấn thân hơn nữa trong công việc chuẩn bị cho các đôi bạn sắp kết hôn”[2]. “Tôi mời gọi các cộng đoàn Kitô hữu hãy nhận biết rằng việc đồng hành với những người đính hôn trong hành trình tình yêu của họ là một việc thiện ích cho chính họ”[3]. Các đức Giám mục Việt Nam, cũng theo hướng mục vụ chung quan tâm đến gia đình, nhấn mạnh sự quan trọng của công tác chuẩn bị hôn nhân cho những người trẻ, đặc biệt trong năm 2017: “Kết hôn là một quyết định rất quan trọng, vì thế cần được chuẩn bị chu đáo hết sức có thể. Trong thực tế ngày nay, một số người trẻ chỉ quan tâm đến việc tổ chức lễ cưới thật lớn, mà không hiểu biết đầy đủ về trách nhiệm trong đời sống hôn nhân. Một số khác, vì vất vả với cuộc mưu sinh, ít có thời giờ để chuẩn bị kỹ lưỡng cho đời sống hôn nhân họ sắp bước vào. Vì thế, cần khuyến khích người trẻ tham dự những lớp chuẩn bị hôn nhân, đồng thời các giáo xứ phải tổ chức chương trình cho chu đáo”[4].
Để giúp các cộng đoàn chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào hôn nhân, đặc biệt cho các gia đình,vì “thực ra, mỗi người đều chuẩn bị cho cuộc hôn nhân ngay từ lúc sinh ra. […] những người được chuẩn bị kết hôn tốt nhất là những người đã học được từ chính cha mẹ mình thế nào là một hôn nhân Kitô giáo”[5], chúng tôi gợi lại một số chủ đề huấn giáo cơ bản cho Hôn nhân, trải ra mỗi tháng trong năm mục vụ 2017.
CÙNG NHAU BƯỚC TỚI
Mục đích: để nhận biết thời kì đính hôn, thời gian chuẩn bị hôn phối, là thời gian của ân sủng và tăng trưởng để sống có trách nhiệm.
1. Đính hôn: thời gian của tăng trưởng
Xưa nay chúng ta vẫn biết đây là thời kì đôi bạn sống trong niềm hân hoan và với cả những khó khăn, để hiểu biết nhau sâu đậm hơn và với cả những hiểu lầm, khó hiểu về nhau. Nếu thời kì này được sống cách nghiêm túc và trưởng thành, đó sẽ là thời gian thuận lợi cho đôi bạn đối diện và đối thoại với nhau, cùng tiến tới trên hành trình tăng trưởng nhằm xây dựng quan hệ lứa đôi.

2. Đính hôn: thời gian của trách nhiệm
Thời đính hôn được xem như là thời gian của trách nhiệm. Thật vậy, trong viễn cảnh của ơn gọi, đây là thời gian thuận tiện để làm sáng tỏ hơn lần đầu tiên ơn gọi cá nhân đi đến kết hôn với người bạn của mình. Đây là một quyết định tạo khoảng không gian để kiểm nghiệm sau đó hướng tới lời ưng thuận dứt khoát mà hai ngườisẽ tuyên bố trong ngày cử hành hôn phối. Trách nhiệm của đôi bạn đính hôn được biểu lộ qua việc xây dựng mối quan hệ của họ ngày càng bền chặt, nhưng cũng đòi hỏi phải nuôi dưỡng và củng cố mối quan hệ thời kì này bằng một tình yêu thanh khiết.
Hôn nhân là một ơn gọi (x. 1Cr 7,7.17), là tiếng Chúa kêu gọi mỗi người theo mỗi cách. Nó được ghi khắc trong ơn gọi bẩm sinh và nền tảng của mỗi người hướng đến tình yêu. Đó là ơn gọi bởi vì ở nguồn cội của nó là một hành động vĩnh cửu tiền định cho ta nên giống hình ảnh của Chúa Giêsu: Thiên Chúa đã yêu dấu và quí mến tưởng nghĩ đến chúng ta như là hình ảnh Con của Ngài theo ơn huệ và đặc sủng tiêu biểu của đời đôi bạn. Chúa Thánh Thần hoạt động trong mầu nhiệm ơn gọi hôn nhân này làm sao để hai người được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô theo đặc sủng tình yêu phu thê. Tất cả những điều này được dần dần tỏ lộ ra trong thời gian, cách riêng trong thời kì đính hôn, chúng còn được hiểu và sống như là thời gian để chứng nghiệm ơn gọi này. Toàn bộ cuộc hành trình rồi sẽ đi tới lúc hai người tuyên bố long trọng và đóng dấu ấn dứt khoát trong cử hành bí tích hôn phối và đòi hỏi phải được sống trong cuộc sống hôn nhân và gia đình mỗi ngày.

3. Đính hôn: thời gian của ân sủng
Thời đính hôn chính là thời gian để khám phá để rồi sống những điều ấy. Như thế, đây là thời gian của ân sủng: một ơn huệ Thiên Chúa ban cho các người trẻ, nam cũng như nữ. Với ơn ấy, các bạn trẻ có khả năng làm triển nở tình yêu của họ đến mức trưởng thành, họ học tập nhìn và sống tình yêu ấy như một sự thông dự vào tình yêu của Đức Kitô bằng cách học hướng đến chính lí tưởng yêu thươngấy.
Thời đính hôn, theo viễn tượng ấy là thời gian của tăng trưởng trong đức tin, cầu nguyện, tham dự vào đời sống phụng vụ của Hội thánh…
 
4. Một hành trình chuẩn bị quan trọng
Cộng đoàn Kitô hữu cảm thấy vui mừng và có trách nhiệm giúp đỡ các đôi bạn sống thời kì đính hôn này và tạo cơ hội ưu tiên cho việc suy nghĩ kĩ lưỡng tất cả những điều này. Chính vì yêu mến và quí trọng những ai muốn kết hôn và kết hôn trong Hội thánh, cộng đoàn Kitô hữu không thể chấp nhận những người sắp chọn đời sống hôn nhân mà lại không được chuẩn bị cho thích đáng.
 
5. Đề nghị một hành trình
Được soi sáng bởi tông huấn Familiaris Consortio (1981)và tông huấn về Gia đình mới nhất Amoris Laetitia (Niềm Vui của Tình Yêu) (2016), chúng tôi gợi lên những đề tài để thảo luận, học và sống cho hành trình chuẩn bị này. Hành trìnhchuẩn bị hôn nhân cho đôi bạn diễn ra tại các buổi gặp gỡ huấn giáo như những nhịp mạnh, thảo luận về một số chủ đề căn bản được dự liệu như sau:
1.     Ý nghĩa và giá trị của tình yêu và tính dục: Chúng ta yêu nhau
2.     Tình yêu phu thê là đặc thù của hôn nhân: … nhiều để rồi đi đến kết hôn
3.     Hôn nhân Kitô giáo là một bí tích:  bằng một bí tích hôn phối cử hành
4.     Được cử hành và sống trong Chúa Kitô và trong Hội thánh: bởi những Kitô hữu.
5.     Hôn nhân từ góc nhìn tâm linh: Được kêu gọi nên thánh
6.     Và từ góc nhìn luân lí, nhấn mạnh minh nhiên đến sự thủy chung, bất khả phân li, toàn thể đời sống: chúng ta sẽ nên một xương một thịt
7.     Phong nhiêu, cụ thể với đề tài sinh sản có trách nhiệm: mở ngõ đón nhận sự sống.
8.     Gia đình, một thực tại sinh ra từ hôn nhân, quan tâm đặc biệt đến việc tham dự vào đời sống và sứ mạng của Hội thánh:Chúng ta cùng nhau tạo lập một gia đình, “Hội thánh tại gia”;
9.     Và quan tâm đến việc tham gia phát triển xã hội: trong xã hội.
Nội dung toàn thể các chủ đề cần được đào sâu có thể cô đọng lại trong một công thức tổng hợp như sau:
Chúng ta yêu nhau / nhiều để rồi đi đến kết hôn / bằng một bí tích hôn phối cử hành bởi những Kitô hữu.
Được kêu gọi nên thánh / chúng ta sẽ nên một xương một thịt / mở ngõ đón nhận sự sống.
Chúng ta cùng nhau tạo lập một gia đình / “Hội thánh tại gia” / trong xã hội.
 
Luy. Nguyễn Anh Tuấn               
Văn phòng HĐGMVN
 
 
Gặp gỡ I:
CHÚNG TA YÊU NHAU
Mục đích:
Trước tình hình người ta có những quan niệm rất khác nhau về hai chữ “tình yêu”, những buổi gặp gỡ hội thảo về chủ đề này nhằm giúp các bạn trẻ nhận ra những ý nghĩa khác nhau mà người ta thường gán cho hai chữ đó. Từ đó, họ phân biệt được ý nghĩa thật của tình yêu đôi lứa theo cái nhìn Kitô giáo so với các quan niệm thông thường khác: tình yêu ấy bắt nguồn từ Tình yêu Thiên Chúa và đặt nền tảng trên tình yêu đó; trong cuộc sống hằng ngày tình yêu ấy bị đe dọa bởi những lầm lỗi và tội lỗi của con người; tình yêu ấy cần được không ngừng vun trồng và làm thăng tiến.
Một khi, nhận ra và cảm nếm được ý nghĩa đích thật của tình yêu  vốn tự nó hướng tới một dự phóng chung trong đời hôn nhân, đôi bạn sẽ thấp thoáng thấy được “Niềm vui của Tình yêu” (Amoris Laetitia) trong đời sống gia đình mình đang hướng tới.
Cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa:
Lời dẫn:
Thiên Chúa là tình yêu. Người đã tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh và giống Ngài, cho họ tham dự vào khả năng yêu thương của Ngài. Chính Ngài đã ban anh chị cho nhau, đã cho anh chị được gặp nhau và đồng hành với anh chị để tình yêu của anh chị mỗi ngày trở nên đích thật hơn: một tình yêu dấn thân trọn vẹn con người mình, như một tặng phẩm dâng hiến cho người kia.
Lời Chúa: trích trong sách Sáng thế
ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán: "Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra”. Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt. Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau. (St2,18-25).
Lời nguyện của đôi bạn:
Chúc tụng Chúa, là Chúa cả trời đất,
Vì Ngài đã ban cho chúng con sự sống và cho chúng con được gặp nhau.
Chúa là suối nguồn của tình yêu nảy nở giữa chúng con và giao phó trách nhiệm cho chúng con:
Xin hãy biến đổi tình yêu ấy mỗi ngày nên đẹp hơn, thật hơn, không vương vấn kiêu căng và ích kỉ, nhưng quảng đại tìm kiếm thiện ích cho tha nhân.
Xin cho chúng con biết dùng lời nói và việc làm tinh tuyền và trong sáng, để biểu lộ sự chân thành trao hiến cho nhau,
Hầu gia tăng hiệp thông sự sống, cho tình yêu trở nên mỗi ngày một sâu sắc hơn.
Chỉ như thế chúng con mới có thể cảm nghiệm và làm chứng được tình yêu Chúa vô biên.
Câu hỏi giúp suy tư:
-         Ngày nay người ta nghĩ gì về tình yêu?
-         Tình yêu có nghĩa gì đối với anh chị?
-         Những thứ ảo tưởng nào đe dọa tình yêu?
Suy tư:
Về chữ tình yêu
“Tình yêu” là một trong những từ ngữ được dùng nhiều nhất trong ngôn ngữ tôn giáo và xã hội dân sự nơi mọi dân tộc. Nó diễn tả những kinh nghiệm tôn giáo cao quí nhất, những dâng hiến quảng đại nhất, những kinh nghiệm kì diệu nhất… Mọi người đều tưởng mình biết ý nghĩa của tình yêu và hướng đến cùng một thực tại, đang khi thực ra họ hiểu theo những nghĩa khác nhau.
Không chỉ có một loại tình yêu duy nhất: có tình bạn, tình thân tâm giao, tình liên đới vốn khác biệt sâu xa với tình yêu hướng đến cô gái hay chàng trai mà mình phải lòng.
Tình yêu và tình dục
Tình yêu ban đầu khi mới nảy sinh, như bao điều tốt đẹp mới khởi đầu, bao giờ cũng tươi vui và hấp dẫn. Những người đang yêu luôn nhìn nhau trong lí tưởng. Tình yêu nảy nở nhiệm mầu trong con tim của chàng và nàng đòi hỏi đó phải là ái tình duy nhất và không san sẻ và, như thế là vì ta cảm thấy người kia lấp đầy khoảng trống trải ta thiếu thốn. Một mình ta không đủ để có hạnh phúc tròn đầy, ta được dựng nên vì người khác, để hạnh ngộ, để đi vào đối thoại. Ta hiện hữu trong một thân xác, vốn là thân xác của một người nam hay một người nữ, và tính dục là phần quan trọng của cuộc hạnh ngộ này, nhưng tính dục không phải là tất cả tình yêu. Văn hóa ngày nay, ngược lại, thường có xu hướng sống hai thái cực: một đàng, đề cao tính dục vì chính tính dục và ban cho nó những “công trạng” quá mức, đàng khác lại tương đối hóa tính dục đến độ dung tục.
Amoris Laetitia: «Tính dục không phải là một phương tiện để thỏa mãn hay để giải trí, vì nó là một ngôn ngữ liên vị trong đó tha nhân được nghiêm túc trân trọng, trong phẩm giá thánh thiêng và bất khả xâm phạm của người ấy. […] Trong bối cảnh này, ái tình xuất hiện như một sự thể hiện tính dục chuyên biệt của con người. Trong đó, người ta có thể tìm thấy lại “ý nghĩa hợp hôn của thân xác và phẩm giá đích thực của tặng phẩm trao hiến”.[6] Trong các bài giáo lí thần học về thân xác, Thánh Gioan Phaolô II đã dạy rằng thân xác với tính dục dị biệt không những là “nguồn của sự phong nhiêu và sinh sản”, mà nó còn sở hữu “khả năng diễn tả tình yêu: tình yêu mà chính ở đó con người – nhân vị trở thành một quà tặng”.[7] Một khao khát tình dục lành mạnh, cho dù gắn với một mưu cầu lạc thú, đều giả thiết có một ý thức cảm thán, và chính bởi đó mà nó có thể làm cho các xung năng có tính nhân văn.»[8]
Ý nghĩa của tình yêu
Một khi đã khát khao con người của nhau, đôi bạn dần lớn lên trong tình yêu. Người này cảm thấy một nhu cầu tự nhiên nảy sinh muốn đem lại hạnh phúc cho người kia. Thế nhưng, thói ích kỉ vẫn luôn chực rình chờ, nó thường khiến mỗi người mệt mỏi không còn cố gắng “quên mình” để yêu tha nhân kia. Tình yêu đích thật thì khác với thứ tình yêu hời hợt hay giả hiệu ở chỗ nó có đặc tính của sự hiến trao bản thân: anh yêu em khi anh cảm thấy hạnh phúc vì làm em hạnh phúc, khi anh có thể nghĩ được là đã trao cho em đời sống của anh, hơn là nghĩ nhận lấy được gì từ cuộc sống của em.
Amoris Laetitia: «Trong bài ca đức mến của Thánh Phaolô, chúng ta gặp thấy một số nét của tình yêu đích thật:
“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu,
Không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,
Không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, 
Không nóng giận, không nuôi hận thù,
Không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.
Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”
(1 Cr 13,4-7)»[9].
Một bước sau cùng nữa của tình yêu tăng trưởng, đó là tình yêu thật thì hướng tới một dự phóng chung. Mỗi người, trong suy nghĩ của mình, hết sức chăm chút, ân cần, ra sức, hoàn toàn dấn mình cho việc chọn lựa người bạn đời, trợ tá của nhau, trên hành trình thực hiện viên mãn cuộc sống của mỗi người.
Hơn nữa, tình yêu tuôn tràn trong con tim của hai người nam và nữ thì cởi mở ra với Đấng siêu việt. Cuộc sống của mỗi thụ tạo thì hướng đến Thiên Chúa và mỗi kinh nghiệm, kể cả tình yêu, cũng phải được sống như nó đến từ Thiên Chúa và phải được nghĩ như là một sự chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Con người vượt qua được nỗi đơn độc nhờ Thiên Chúa, vì Ngài đã thổi vào trái tim con người Thần Khí của Ngài, chính khả năng yêu thương của Ngài. Bởi thế, cả người nam lẫn người nữ đều không thể nói với người bạn đời của mình một cách tuyệt đối rằng: «em là tất cả cuộc sống của anh», hay «anh là tất cả cuộc sống của em», và ngược lại. Bởi lẽ họ được tạo dựng cho nhau, và đồng thời cả hai thuộc về Thiên Chúa. Thật vậy, mỗi người đều mang một khát vọng trong mình về vô biên, mà không một con người thụ tạo nào có thể làm thỏa mãn được. Kinh nghiệm hôn nhân phải dành chỗ cho Thiên Chúa Đấng Vô Biên ấy, Ngài muốn đi vào trong cuộc sống của đôi vợ chồng, để “cung cách yêu thương của Thiên Chúa trở thành thước đo của tình yêu nhân loại”[10] nơi họ, để dẫn họ đến bến bờ cuộc sống viên mãn.
Hành trình xây dựng đôi lứa
Tình yêu được sống trong một trạng thái thăng bằng nhưng thường xuyên bấp bênh, được xây đắp ngày này qua ngày khác, và cần được theo đuổi, vun trồng, bảo vệ, dự phòng. Không bao giờ được nghĩ là mình đã đạt tới đích. Tình yêu phải được học hỏi như những điều tốt đẹp trong cuộc sống khiến ta phải học: học yêu. Đức Giêsu minh họa điều này rất hay trong ví dụ hạt lúa phải chết đi nó mới làm trổ sinh nhiều bông hạt, và chính Người đã thực hiện như thế làm cho người ta thấy được trên thập giá, Người đã chọn lựa sống vì yêu, và thế nào là tình yêu đích thật. Việc khó nhất chính là cam kết dấn thân cả đời mình sống vì người khác, trong tư thế như từ bỏ chính mình, bỏ cách nghĩ của mình, bỏ những thói quen của mình, từ bỏ những sở thích, thú riêng tư…
Trợ giúp đôi bạn
Thường đôi bạn hay nhìn xung quanh mình và cảm thấy cô đơn. Nếu có các cặp bạn hữu nào đó để cùng vui sống những giờ phút thư giãn chứ không để bàn những chuyện nghiêm túc, như ngày cuối tuần chẳng hạn, thì rất có ích. Có khi, cũng không hiếm trường hợp, một đôi bạn cảm thấy mình cần gặp gỡ trao đổi với những người khác về những vấn đề hay những khó khăn làm cuộc sống mình bất ổn hay cay đắng. Ngày nay, có nhiều Nhóm các gia đình thân hữu (các cặp đính hôn, vợ chồng trẻ, các gia đình) đang phổ biến, vì tình thân hữu và bằng hữu giúp nhau vượt qua những khó khăn của cuộc sống, và của đôi bạn.
Amoris Laetitia: Đức Giáo hoàng mời gọi: «các cộng đoàn Kitô hữu hãy nhận biết rằng việc đồng hành với những người đính hôn trong hành trình tình yêu của họ là một việc thiện ích cho chính họ. […] Đối với cộng đoàn Kitô hữu, những người kết hônlà “một nguồn tài nguyên quí giá vì, trong khi chân thành dấn thân lớn lên trong tình yêu và tự hiến cho nhau, họ có thể góp phần đổi mới chính tấm áo dệt nên toàn bộ thân thể Hội thánh. […] Điều quan trọng là “con đường khai tâm”vào Bí tích Hôn nhân khả dĩ cung cấp cho họ những yếu tố cần thiết để có thể lãnh nhận bí tích ấy với nhữngđiều kiện tốt nhất và khởi đầu cuộc sống gia đìnhmột cách vững chắc»[11].
«Cũng nên tìm những phương thế để chuẩn bị từ xa khả dĩ giúp cho tình yêu của họ trưởng thành bằng một sự đồng hành gần gũi và chứng từ phong phú. Thường thì rất hữu ích nếu qui tụ được các nhóm bạn đang thời kì đính hôn và đề ra những buổi nói chuyện chuyên đề dựa trên một vài chủ đề khác nhau mà người trẻ quan tâm […]»[12].
Thảo luận theo nhóm:
. Chúng ta phản ứng tức thời như thế nào khi nghe trình bày điều đó?
. Người ta có thể thực hiện những chọn lựa nào để gìn giữ phẩm giá của tình yêu trong thời gian đính hôn và trong cuộc sống đôi lứa?
. Anh chị có những dự phóng nào để mỗi ngày lớn lên trong tình yêu ? Cần có những chọn lựa ưu tiên nào cho mục đích đó?
. Có mối liên hệ nào giữa tình yêu và tình dục? Đâu là những cản trở chính theo anh chị sẽ có thể gặp phải khi sống tình dục trong viễn ảnh này?
 
Gặp gỡ II:
CHÚNG MÌNH KẾT HÔN NHÉ
 
Mục đích:
Giúp các bạn trẻ ý thức về bản chất của sự lựa chọn hôn nhân xuất phát từ việc họ yêu nhau và đảm nhận một Giao ước nghiêm túc.
Cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa:
Lời dẫn:
Trong Cựu ước Chúa đã kí kết một Giao ước với dân Ngài. Đó là một Hôn ước, nghĩa là Giao ước tình yêu phu thê.
Chính Ngài đồng hành với anh chị trong thời gian đính hôn này để tình yêu của anh chị lớn lên đến mức chín muồi và đi đến quyết định kết hôn với nhau, để anh chị ý thức và dạn dĩ nói lên lời “ưng thuận” kết hôn và cử hành hôn phối. Và để rồi qua hôn ước của anh chị Thiên Chúa tiếp tục thực thi Giao ước của Ngài trong lịch sử.
Lời Chúa: trích trong sách tiên tri Hôsê
ĐỨC CHÚA phán:
«Này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình. Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân, như ngày nó đi lên từ Ai-cập.
Vào ngày đó – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA – ngươi sẽ gọi Ta: "Mình ơi", chứ không còn gọi "Ông chủ ơi" nữa. Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành,
và ngươi sẽ được biết ĐỨC CHÚA. Vào ngày đó, Ta sẽ đáp lại, – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA –
Ta sẽ đáp lại trời, và trời sẽ đáp lại đất» (Hs 2,16.17b-18.21-23).
Lời nguyện của đôi bạn:
«Xin đặt em như chiếc ấn trên trái tim anh, như chiếc ấn trên cánh tay anh.
Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ.
Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng!» (Dc 8,6).
Linh mục:
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa, vì với quyền năng vô song Chúa đã dựng nên người nam và người nữ theo hình ảnh và giống như Ngài, và trao ban họ cho nhau như người bạn đường bất khả phân li, để họ không còn là hai mà chỉ là một. Như thế, Chúa đã dạy rằng phân li điều Thiên Chúa đã kết hợp nên một không hề là điều chính đáng. Xin cho những người con cái này của Chúa biết khám phá và thực hiện cách trung tín kế hoạch yêu thương và cứu độ của Ngài. Amen.
Câu hỏi giúp suy tư:
- Tại sao một người con trai và một người con gái quyết định kết hôn ?
- Hai người kết hôn với nhau qua kí kết một khế ước, điều đó có ý nghĩa gì ?
- Thiên Chúa có liên quan gì trong chọn lựa kết hôn của anh/chị ?
Suy tư:
Một tình yêu dành cho nhau
Khi nói “chúng ta yêu nhau” là ta ý thức mình không chỉ tự yêu mình hay yêu một cái gì đó đáng yêu và làm ta thỏa lòng, nhưng là yêu một con người có thể đáp trả lại tình yêu của ta với một tình yêu cũng mãnh liệt như thế. Đó là một tình yêu tương hỗ, cho và nhận. Tình yêu của chúng ta là một kiểu tình bạn với ý nghĩa đặc biệt. Là một tình bạn giữa hai người “tự hiến” cho nhau, và có những đặc tính: trọn vẹn, duy nhất và độc hữu (không chấp nhận những bạn tình khác); ổn định và bền vững (một chọn lựa mãi mãi); phong nhiêu (mở ra với sự sống và gắn liền với tính dục hướng tới sinh sản không trước và không ngoài hôn nhân).
Một tình yêu vô cầu
Tình yêu là chân thực khi được hiến dâng không nhằm đến những mục đích thứ yếu. Sự vô cầu thuộc bản chất của tình yêu còn thể hiện qua chịu đựng tự nguyện những nỗi đau đớn, buồn khổ, bệnh tật, và cả trong cô đơn nữa. Ở đâu sự sống được hiến dâng không mong đền đáp, ở đó tình yêu hiển lộ tất cả sự thật và sự vĩ đại của nó. Yêu thương ai là nhắm tới hạnh phúc, những điều tốt đẹp, ích lợi của người đó! Đối nghịch với tình yêu vô cầu là thái độ ích kỉ, chỉ nhìn tha nhân như người trao hiến cho mình điều gì, hoặc tệ hơn, đối xử với tha nhân chỉ như là cơ hội đem lại cho mình cảm giác thỏa mãn.
«Trong thông điệp Niềm vui của tình yêu, Đức giáo hoàng Phanxicô dành phần lớn của chương bốn để suy tư về tình yêu trong hôn nhân, dựa vào Bài ca Đức Ái (1Cr 13). Theo đó, gia đình là nơi mỗi chúng ta cảm nghiệm, học tập và vun đắp tình yêu chân thật.
Đó là tình yêu kiên nhẫn, biết đón nhận người khác như họ là;
  • tình yêu phục vụ, không chỉ bằng cảm tính hay lời nói nhưng bằng hành động cụ thể;
  • tình yêu không ghen tị, nhưng trân trọng thành quả của người khác;
  • tình yêu không khoe khoang tự phụ, không coi mình hơn người khác;
  • tình yêu dịu dàng, không cứng cỏi;
  • tình yêu quảng đại, cho đi mà không tính toán;
  • tình yêu tha thứ, biết tìm hiểu người khác để thông cảm và tha thứ hơn là soi mói;
  • tình yêu vui với niềm vui của người khác, chứ không vui vì sự thất bại của họ;
  • tình yêu dung thứ, giữ gìn miệng lưỡi, tránh xét đoán và nói xấu;
  • tình yêu tin tưởng tất cả nên không tìm cách thống trị nhưng tôn trọng  người khác;
  • tình yêu hi vọng tất cả vì Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng bằng những nét cong;
  • tình yêu chịu đựng tất cả với thái độ tích cực» (HĐGMVN, Thư gửi các Gia đình Công giáo, 8).
Một tình yêu cho đến cùng
Chúa Giêsu dạy và chỉ cho thấy không ai có tình yêu lớn hơn kẻ đã hiến mạng sống mình vì bạn hữu: đây là phần khó chấp nhận nhất của tình yêu. Quả thật, ta quá gắn bó với mình, với cách nghĩ, những thói quen, cảm quan, sở thích của mình, … đến nỗi khó có thể từ bỏ mình được. Thế nhưng, hai người sẽ không trở thành một cặp đôi hoàn hảo cho tới khi nào cả hai biết chấp nhận chết đi cho cái gì đó nơi bản thân mình. Để làm được điều đó cần tạo một khoảng “chân không” nào đó trong con người của ta, bởi lẽ chừng nào “cái tôi” còn đầy ắp thì không có chỗ cho tha nhân trong ta! Hẳn là ta không bị buộc phải từ chối các giá trị hay những gì tốt đẹp giúp cho đời sống đôi lứa được thêm phong phú. Nếu người ta thấy rằng đòi hỏi ấy rốt cuộc tước đi nơi cá nhân hay đôi bạn một cái gì đó có thể giúp họ được phong phú thêm, thì khi ấy người ta phải trao đổi với nhau để cùng nhận biết cái gì là tốt hơn và cái gì là ích lợi hơn cho cả hai cùng thăng tiến. Chết đi cho chính mình và sống với và cho người khác là một chọn lựa quan trọng, đó là “biết nhân nhượng” cho dù có e sợ mình bị tha nhân lợi dụng. 
Tình yêu phu thê và hôn nhân
«Trinh khiết và hôn nhân, là và phải là những cách thế khác nhau để yêu thương, vì con người không thể sống mà không có tình yêu» (Amoris Laetitia 161).
Cội rễ và sức mạnh để quyết định kết hôn nằm ở nơi tình yêu phu thê, tức là một tình yêu dành cho nhau và vô cầu, cho đến tận cùng. Kết hôn là mạnh dạn bước qua bậc thềm của một tình yêu phu thê như thế. Tình yêu ấy có thể được sống theo hai cách thức cơ bản: bậc độc thân khiết tịnh và bậc hôn nhân. Cả hai bậc sống này là những thể hiện cụ thể khác nhau của một sự thật sâu xa hơn của con người: con người là hữu thể được tạo dựng “theo hình ảnh của Thiên Chúa”. Cả hai chọn lựa này (những ơn ban khác nhau và bổ túc cho nhau) hội tụ lại cùng diễn tả một mầu nhiệm hôn phối duy nhất, vừa phong nhiêu vừa mang ơn cứu độ, của Đức Kitô và Hội thánh. Là những cách thức biểu lộ và sống mầu nhiệm duy nhất của Giao ước của Thiên Chúa với Dân Người. Theo nghĩa đó, hôn nhân và trinh khiết không đối nghịch nhau.
Để sống chọn lựa tình yêu phu thê ấy như là một tình yêu hôn nhân, hai người bạn đính hôn cần phải quyết định trong sự tự do hướng tới một chọn lựa dứt khoát. Chọn lựa ấy cũng là một chọn lựa công khai bởi vì hai người là hai giới tính khác biệt và vì thế, bởi bản tính tự nhiên, hướng tới tương quan, tức bình diện xã hội. Từ đó, ta có thể và phải nói rằng đôi bạn kinh nghiệm sức mạnh kết hợp của chính tình yêu khi, với tự do, họ quyết định kết hôn với nhau trong khế ước hôn nhân: một khế ước bao hàm một sự chuẩn bị dài lâu và đặt cơ sở trên sự tự do và tôn trọng lẫn nhau. Một điều quan trọng là hai người đính hôn phải tránh những hành vi gọi là “quan hệ trước hôn nhân”, mà một cách nào đó, chúng đã khiến hai người dấn sâu vào một mức độ thân mật đến nỗi không còn có thể thoái lui được nữa, điều vốn là một đặc tính của thời đính hôn!
Hôn nhân là một khế ước và là giao ước
Giáo luật mới không còn định nghĩa hôn nhân như là một “giao kèo” (hay “hợp đồng”) nữa, mà gọi đó là một “khế ước” hôn phối. Cách nói này giúp chúng ta vượt qua được quan niệm hôn nhân như một “hợp đồng” vốn nặng tính luật pháp hành chánh, và diễn tả theo ngôn ngữ Kitô giáo, liên hệ đến hình ảnh của Giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người. Như thế chúng ta khám phá được căn tính đích thật của hôn nhân, đó là tình yêu phu thê, một tình yêu rất nhân bản, và lôi kéo mỗi người vào trong “toàn thể thống nhất” hồn và xác. Ở cội nguồn của mọi cuộc hôn nhân đều có sự hiện diện của Thiên Chúa. Chính Ngài là tác giả đã ghi khắc vào con tim mỗi người  khả năng và trách nhiệm của tình yêu và hiệp thông. Khế ước hôn nhân trở thành một bản sao và một sự tham dự vào Giao ước thần linh: nội dung của khế ước này là tình yêu phu thê. Người nam và người nữ, khi ấy, không còn trao đổi với nhau các quyền lợi trên những thiện ích kinh tế, cũng không còn trao đổi nhau các “quyền trên thân xác” nữa; nhưng trao đổi với nhau “quyền” trên toàn thể con người của nhau như một ngôi vị, tức trên toàn thể các chiều kích cả về thể lí, lẫn tình cảm và tinh thần. Bởi thế, tình yêu này phải có các thuộc tính độc hữu (một nam một nữ), bất khả phân li và mở ra với sự sống phong nhiêu. Tình yêu này có tính độc hữu vì con người tự hiến ấy là một thụ tạo giới hạn và được mời gọi trao hiến toàn thể con người mình: người ấy có thể yêu cách trọn vẹn chỉ một người và thực hiện mình cách viên mãn chính khi mở ra tự hiến hoàn toàn cho người bạn đời. Tình yêu phu thê có tính bất khả phân li vì con người sống trong thời gian và không thể tự hiến hoàn toàn nếu không biết hiến trao chính mình cho người bạn đời trong suốt cuộc đời mình. Tình yêu phu thê phải mở ra với sự sống phong nhiêu vì con người còn đặc trưng bởi giới tính (là nam hay là nữ) và bởi sinh dục, và nhờ đó qua một gặp gỡ tính dục họ thực hiện chính mình và sẵn sàng đón nhận những sự sống mới.
Hôn nhân là một chọn lựa dứt khoát
Lời tuyên bố «ưng thuận» kết hôn hai người gửi trao cho nhau trong cử hành lễ cưới là nền tảng của khế ước hôn nhân. Đó là một hành vi thể hiện (hay hiện thể hóa) tình yêu phu thê. Ước nguyện đẹp nhất dành cho đôi vợ chồng là được thấy mỗi ngày tình yêu của họ tăng trưởng. Nhưng nếu như tình yêu ấy không còn tăng trưởng nữa, thì hôn nhân cũng ngưng lại: “sức khỏe”, sự “thịnh vượng” của hôn nhân sụt giảm. Quả thật, sức khỏe của tình yêu phu thê trước hết không phải là tình trạng kết quả thể lí, sức hấp dẫn tình dục, hay những tình cảm chan chứa…, nhưng là một hành vi của ý chí tự do, là một hành động thiêng liêng, mà hoàn cảnh bên ngoài không thể cung ứng được. Chọn lựa tự do không thể từ chối tình yêu một khi đã hứa còn vì lí do cấu trúc hôn nhân không chỉ phụ thuộc vào những người liên hệ, mà nối kết với thiện ích của chính các đôi bạn, vì nó gắn liền với ý muốn của Thiên Chúa, muốn hôn nhân là duy nhất và bất khả phân li. Kinh nghiệm những khó khăn trong tình yêu đòi hỏi ta phải tự mình nỗ lực với sự trợ giúp của ân sủng của Chúa làm sống động lại tình yêu một khi nó suy yếu hay xem ra như chết đi.
Tình yêu và sự tha thứ 
Trong cuộc sống hằng ngày khi một người khám phá mình yêu quí một ai đó, thì người ấy dấn thân cho tương lai. Nhưng trong con người mang dấu ấn tội lỗi như chúng ta, luôn luôn chực sẵn cám dỗ muốn khép kín mình lại và ta cũng kinh nghiệm tình yêu đòi hỏi một sự dấn thân: nó có thể đem lại niềm vui thỏa mà cũng có thể cho kinh nghiệm thương đau. Điều quan trọng là làm thế nào vượt qua được sự tính toán so đo trên những gì mình hiến dâng và những gì nhận lãnh, dựa theo mẫu gương của Chúa yêu thương vô điều kiện và chứng tỏ chúng ta có khả năng làm được như thế. “Kết hôn trong Chúa” có nghĩa là chúng ta có thể yêu cả khi bị mất mát mà không đánh mất chính mình. Làm cho tình yêu Thiên Chúa sống động trở lại có nghĩa là chúng ta phải luôn tha thứ. Không thể tha thứ và không thể làm cái “mãi mãi” được tái sinh liên tục, tình yêu sẽ không thể tồn tại.
«Điều này giả thiết chính chúng ta đã có kinh nghiệm được Thiên Chúa tha thứ, được công chính hóa cách vô điều kiện bởi ân sủng của Ngài chứ không bởi công trạng của chúng ta. Chúng ta đã đạt đến kinh nghiệm của một tình yêu đi bước trước mọi việc làm của mình, một tình yêu luôn luôn mang đến cho ta những cơ hội mới, một tình yêu thúc đẩy và khích lệ» (Amoris Laetitia 108).
Thảo luận theo nhóm:
. Chúng ta phản ứng tức thời như thế nào khi nghe trình bày những điều đó?
. Anh chị nghĩ gì về một tình yêu của hai người dành cho nhau, vô điều kiện và đi đến mức hiến dâng tất cả cho nhau ?
. Đâu là những khác biệt về cuộc sống của một đôi vợ chồng so với các kiểu sống kết hợp khác, như sống chung hoặc kết hợp trong thực tế?
. Các quan hệ trước hôn nhân, dưới ánh sáng của những gì chúng ta vừa nói, có ý nghĩa gì không?
. Theo anh chị những khó khăn nào có thể gặp hằng ngày trong cuộc sống hôn nhân duy nhất, trung tín, bất khả phân li và mở ra với sự sống phong nhiêu?
 
Gặp gỡ III:
KẾT HÔN NHƯ NHỮNG KITÔ HỮU
“Người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (Mt 19,5; X. St 2,24).
Mục đích:
Giúp các bạn trẻ ý thức rằng người Kitô hữu chọn kết hôn trong Hội thánh giả định họ phải có đức tin, tin Đức Kitô và tin Hội thánh. Làm sao để đôi bạn đính hôn có thể đón nghe tại cội rễ tình yêu của họ tiếng gọi tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa nơi bản thân Đức Giêsu Kitô, Đấng đã mạc khải trọn vẹn và dứt khoát tình yêu của Người. Học tự đặt mình trong dự phóng của Nước Chúa và họ sẽ nhận ra hành trình hôn nhân tương lai của mình trong viễn ảnh này.
Cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa:
Lời dẫn:
Lời rao giảng của Chúa Giêsu như một “lời chất vấn tự do” chính tự do của người nghe. Người đòi hỏi ta phải “tự quyết định” chọn hay không chọn Người là ý nghĩa của sự tự do của chúng ta. Vậy nên, quyết định luân lí cơ bản không gì khác hơn là một chọn lựa “đức tin”: tin Đức Giêsu, tin vào lời của Người, vốn là “trao tặng” mà cũng “đòi hỏi”, là “ơn ban” mà cũng đồng thời là “nhiệm vụ”, lời ấy mỗi người chúng ta đều âm thầm khát mong. Trước lời loan báo Nước Chúa, con người chỉ còn một việc là tin, và tìm thấy ở đó “lẽ sống” của mình.
Lời Chúa: trích Tin Mừng theo thánh Máthêu
«Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy» (Mt 13, 44-46).
Linh mục:
Lạy Chúa,
Chúa đã chuẩn bị mọi sự tốt lành cho những ai yêu mến Chúa. Xin thương tuôn tràn tình yêu ngọt dịu của Chúa vào lòng chúng con, để khi yêu mến Chúa trong mọi sự và trên hết mọi sự, chúng con gặt hái được những điều Chúa đã hứa ban, vượt quá mọi mong đợi. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.
Câu hỏi giúp suy tư:
- Tại sao anh chị kết hôn trong Hội thánh?
- Anh chị tin có liên hệ gì giữa tình yêu của những người đính hôn và tình yêu của Thiên Chúa được thông truyền cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô?
- Đức tin là gì? Khi nào chúng ta có thể nói một người nào đó là kẻ đã tin (tín hữu)? Đức tin là một chuyện riêng tư ư? Nếu thế, tại sao người ta phải đi nhà thờ, đi lễ ngày Chúa nhật?
- Phải chăng tin vào sự sống lại là trung tâm điểm của Kitô giáo? Có mối quan hệ nào giữa đức tin Kitô giáo với các trào lưu khác và các “giáo phái” khác không? Có thể dung hòa việc một người vừa theo các tổ chức đó vừa theo Kitô giáo hay không?
Suy tư:
«Người ta không thể hiểu trọn vẹn mầu nhiệm gia đình Kitô giáo nếu không nhìn trong ánh sáng tình yêu vô hạn của Chúa Cha, được biểu lộ nơi Đức Kitô, Đấng đã tự hiến mình cho đến cùng và vẫn sống giữa chúng ta» (Amoris Laetitia, 59).
Tại sao chúng ta kết hôn với nhau trong Hội thánh?
Trong thỉnh cầu của đôi bạn đính hôn xin được kết hôn trong Giáo hội, thường theo cách nào đó, có biểu lộ ước muốn được tiếp tục sống truyền thống của gia đình và hòa hợp với tập tục của cộng đồng xã hội nơi mình đang sống, để tránh không làm cha mẹ, ông bà hay bà con dòng họ thất vọng. Và rồi, nhiều người đính hôn có ý tổ chức hôn lễ thật trang trọng qua một cử hành nghi lễ tôn giáo, đánh dấu bước chuyển tiếp quyết định của cuộc đời mình. Kết hôn trong Giáo hội có thể còn diễn tả sự đồng thuận với một ước vọng của người bạn đời tương lai. Trước câu hỏi tại sao bạn muốn kết hôn trong Hội thánh, nhiều người đính hôn trả lời bằng cách nại tới đức tin: “tôi kết hôn trong Hội thánh vì tôi tin”. Không ai nghi ngờ câu trả lời chân thành đó. Nhưng nhìn sâu vào những lời khẳng định ấy, ta thường có cảm tưởng điều những người trẻ này muốn nói về “đức tin” còn khá mơ hồ và chung chung: “Tôi tin kính một Đấng cao cả hơn chúng ta và tôi muốn nhân dịp lễ này Người sẽ chúc lành cho hôn ước của chúng tôi”. “Tôi tin, nhưng theo kiểu của tôi. Tôi không thường đi Nhà thờ; nhưng bây giờ làm đám cưới, tôi nghĩ phải tiến hành một nghi lễ trước mặt Chúa là điều chính đáng thôi”.
Vậy, điều quan trọng là ta thử đi sâu vào một số khía cạnh của chọn lựa đức tin này.
Người tín hữu kết hôn
Tình yêu mà hai người khám phá trong tâm tư mình thật nhiệm mầu, lớn lên từng ngày trong khung cảnh của một cộng đoàn Kitô hữu (giáo xứ, giáo họ, cộng đoàn nhỏ, …) nơi họ thuộc về nhờ bí tích Rửa tội. Bởi thế, đôi bạn đính hôn xin cộng đoàn giúp đỡ để tìm hiểu và biết cách diễn tả ý nghĩa Kitô giáo tình yêu của họ, cũng như ý nghĩa của việc họ chọn lựa kết hôn trong Hội thánh. Nhưng sẽ là không nhất quán và thiếu chỉnh chu nếu như cộng đoàn nhiệt liệt đón nhận thỉnh cầu của đôi bạn xin kết hôn trong Hội thánh mà lại không tạo cơ hội cho họ được gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã kêu gọi họ mặc lấy một lối sống mới và dứt khoát.
Cội rễ tôn giáo của tình yêu
Tình yêu con người vẫn luôn là một mầu nhiệm. Người ta muốn tìm một sự độc lập của riêng mình nhưng đồng thời lại không thể ở đơn độc một mình. Ta kết hợp với tha nhân đồng thời tìm kiếm cái gì đó không có ở nơi ta. Mọi tình yêu phàm nhân đều luôn đòi hỏi một cái gì đó hơn nữa, hướng đến một cái gì đó vô biên, da diết đến nỗi, quả thực là, nếu thiếu mối quan hệ này thì ta luôn cảm thấy và cho như là bị phụ bạc và bất công. Những biểu lộ của tình yêu phàm nhân về những khát vọng này khi ấy sẽ không bao giờ đầy đủ và để lại trong tâm hồn ta một dư âm của sự không thỏa mãn, một nỗi bất an khôn nguôi. Cuộc sống hôn nhân, trong viễn ảnh này, trở thành cuộc truy tìm không ngừng một quan hệ tròn đầy hơn, một diễn tả trọn vẹn hơn chính căn tính của mình sống và hiến dâng cho người bạn đời. Có thể nghĩ rằng chính yếu tố này, vốn có mặt trong lịch sử của mỗi người, là dấu chỉ của sự hiện diện một Đấng Khác và cho thấy một nguồn mạch khác của khát vọng yêu đương của con người mà ta cần tìm kiếm ở ngoài biên giới thời gian và không gian của lịch sử loài người chúng ta. Tình yêu trao hiến và nhận lãnh có thể dẫn ta đến chỗ khám phá hoàn cảnh thụ tạo của mình, nhận biết mình còn được nối kết với các nguồn suối khác ngoài sự sống sinh vật này. Như thế, tình yêu phàm nhân có thể là một tiếng gọi mầu nhiệm hướng đến đấng siêu việt, đi vào tương quan với Thiên Chúa. Bởi thế, mọi tình yêu phàm nhân luôn có một khía cạnh tôn giáo và mở ra quan hệ với Thiên Chúa: vì tình yêu đó dẫn con người đến trên những dấu tích thần linh hiện ra từ khung cảnh cuộc sống quen thuộc hằng ngày. Đàng khác, mạc khải Kitô giáo đáp ứng yêu sách về siêu việt trong tình yêu bằng cách dẫn lối cho ta đến trước mầu nhiệm một vị Thiên Chúa tìm kiếm và yêu thương thụ tạo của mình vô hạn, một Thiên Chúa luôn tỏ lòng thương xót và chia sẻ với con người. Nếu mỗi đôi bạn đọc lại lịch sử của chính cuộc hạnh ngộ của mình, của mối tình hòa hợp được thắp lên vào lúc không ngờ và lớn lên chín dần đến mức hai người quyết định kết hôn với nhau để tạo lập một gia đình, họ sẽ khám phá ra một chuỗi dài những ngày tháng thường cũng đơn sơ và có vẻ bình thường. Thế nhưng, chính những bước đi “nhỏ bé” ấy tỏ lộ một dự phóng, một kế hoạch, một ý định đã có trước hai con người yêu nhau ấy và sắp xếp để họ đi tới bước quyết định kết hôn. Mạc khải Kitô giáo nói rằng kế hoạch và ý định ấy, dành cho hai người và mời gọi họ thực hiện, được Chúa Cha nghĩ và sáng tạo trong Đức Kitô, họ như những người con yêu dấu của Ngài. Thiên Chúa đợi chờ chúng ta đáp trả trong tình yêu và tìm kiếm Ngài không ngừng. Trong tình yêu phu thê của hai người, như thế, có ghi khắc một vết tích không thể xóa nhòa, là nỗi nhớ sâu xa về Thiên Chúa.
Tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa
Việc khám phá ra tình yêu tràn ngập con tim của hai người cuốn hút nhau đến nỗi cùng nhau đi trọn cuộc đời khởi động một cuộc kiếm tìm dung nhan Thiên Chúa mầu nhiệm. Mọi khám phá lớn luôn là hoa quả của một cuộc tìm kiếm say mê và bền bĩ. Điều đó đặc biệt đúng đối với những ai tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa họ gặp trên nẻo đường tình yêu dành cho nhau: con người không thể không khát vọng Thiên Chúa. Không thụ tạo nào là không cần Đấng Tạo Hóa, nhưng trong thế giới chỉ có con người có cảm nhận khát vọng này và biết cảm nhận nó. Cả khi người ta chối bỏ Thiên Chúa, người ta cũng không thể chối bỏ nỗi khát khao về Vô biên luôn có ở trong ta. Những người yêu nhau đó khát khao chọn lựa kết hôn của họ là mới khúc dạo đầu của một cuộc sống viên mãn, vượt trên mọi giới hạn. Tự sâu thẳm họ tìm kiếm ơn cứu độ như bao người khác trước họ: «Xin Ngài đừng ẩn mặt !» (Tv 27,9). Đôi bạn đính hôn, đôi vợ chồng tương lai bấy giờ hướng thẳng về chính nguồn mạch sự sống: Thiên Chúa. Thật ra, họ không đi tìm một chân lí bất kì nào, nhưng là tìm kiếm một Ai đó ban cho họ khả năng nhận ra được ý nghĩa sâu xa của một tình yêu dâng hiến cho nhau suốt cuộc đời.
Lớn lên trong niềm tin vào Đức Giêsu Kitô
Đối với những người đính hôn, cuộc kiếm tìm sự thật của tình yêu của họ, trong kiên nhẫn và thiết tha, diễn ra trong sự Quan phòng trong bối cảnh của một cộng đoàn loan báo, làm chứng và bảo vệ sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô. Ngài là Đấng đã mạc khải cho con người đang tìm kiếm dung nhan đích thật của Thiên Chúa. Cộng đoàn Hội thánh quảng đại loan báo và thông truyền hồng ân phục sinh tràn đầy của Đức Giêsu Kitô mình đã lãnh nhận, cho cả những người được kêu gọi sống và biểu lộ tình yêu viên mãn của họ. Gặp gỡ chính Đức Giêsu Kitô, lắng nghe Phúc-âm của Người tất cả hợp làm một với cuộc tìm kiếm sự thật họ đang theo đuổi. Đôi bạn trẻ đã nhận thấy nơi thâm sâu tình yêu của họ có một sức mạnh thôi thúc họ hướng tới cái gì đó còn lớn lao hơn và cuối cùng. Bởi thế họ quay hướng về Chúa Giêsu. Đang khi quay bước về với Chúa Giêsu họ nhận ra Người đã có đó tự bao giờ trên những dấu vết của họ và đã đồng hành với họ ngay từ khi tình yêu của họ khởi sinh. Đọc lại chuyện tình yêu của họ trong ánh sáng này, đôi bạn đính hôn nhận ra một ơn gọi mầu nhiệm sống tình yêu của họ cách viên mãn như Đức Giêsu Kitô đã yêu. Đức Giêsu hấp dẫn họ chính vì Người biểu lộ sự chân thành tới mức trả giá cao nhất cho sự thật mà Người loan báo. Những người đính hôn tìm kiếm một ai đó, trong khi nói về cuộc sống của mình người ấy trao ban ý nghĩa cho cuộc sống lứa đôi của họ, và trong khi diễn giải những chọn lựa của mình người định hướng cho những chọn lựa của họ. Gặp được Đức Kitô các dự án và hoa quả của việc tìm kiếm của con người không bị phế bỏ, nhưng được phân định và  đảm nhận vào trong một khung cảnh rộng lớn hơn, hướng chúng đến sự viên mãn mà con người khao khát. Thông ban cho chúng ta Thánh Thần là chính Tình Yêu Thiên Chúa, Đức Giêsu còn đi xa hơn giáo huấn thuần đạo lí Người ban cho ta khả năng yêu thương như chính Thiên Chúa yêu thương. Đây chính là ơn cứu độ cho mỗi người chúng ta, cho đôi bạn và cho gia đình, vì chỉ các quan hệ yêu thương mới có thể làm cho thế giới này trở thành một môi trường sống.
Làm chứng về Đức Kitô Đấng Phu Quân trong Hội thánh Hiền thê
«Tin mừng gia đình là một niềm vui “đầy ắp tâm hồn và cả cuộc sống của họ”, vì trong Đức Kitô, chúng ta được “giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô độc» (Amoris Laetitia 200; cf. Evagelii Gaudium, 1).
Chúng ta cảm thấy cuộc sống mình như chưa được giải thoát, cuộc kiếm tìm của mình chưa được thỏa mãn, nếu ta chưa thay đổi các mối quan hệ với tha nhân. Chỉ một cá nhân mình ổn thôi thì chưa đủ, phải ổn cả trong các tương quan với người khác. Kinh nghiệm đức tin luôn lớn lên và chín muồi ở trong một cộng đoàn, nó dẫn ta vào trong cuộc sống của cộng đoàn đã được đổi mới các tương quan. Trong khi tìm kiếm tình huynh đệ ta sẽ có được kinh nghiệm tình huynh đệ trong gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu từ từ dẫn lối cho ta đến hiệp thông với anh em mình là các môn đệ khác của Chúa Giêsu, dù khác nhau về xuất xứ và tính tình, và hơn nữa còn đến hiệp thông với Thiên Chúa, là Cha, Con và Thánh Thần. Ta khám phá ra rằng mối hiệp thông với Chúa chính là nền tảng cho việc sống tình huynh đệ. Tình huynh đệ này được triển nở trong Hội thánh. Trong Hội thánh mỗi người kết hợp với Chúa Kitô, gặp gỡ Người và sống lại kinh nghiệm  hiệp thông với Thiên Chúa và với anh em. Đây là giải đáp cho câu hỏi cuộc sống viên mãn của những người chuẩn bị bước vào hôn nhân, vốn là một hiệp thông sâu xa của sự sống và tình yêu.
Kitô hữu kết hôn 
Ta thấy xuất hiện ở đây ý nghĩa và giá trị thực sự Kitô giáo của hôn nhân. Đó là một biến cố được đưa vào trong sáng kiến của Thiên Chúa, Đấng đã nhập thể làm người để hiện diện trong lịch sử của mỗi người. Khế ước giữa người nam và người nữ, hiểu ở trong tất cả sự thật được khám phá dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo, biểu lộ giá trị thánh thiêng, sự phong phú thần linh của nó. Hôn nhân trở thành một hành động của Thiên Chúa, nhập thể trong tình yêu của đôi bạn đã quyết định nên vợ nên chồng trọn vẹn và dứt khoát, và mang lấy chiều kích vượt trên những giới hạn loài người. Từ đó mà nó trở thành một bí tích.
Thảo luận theo nhóm:
. Phản ứng tức thời của chúng ta như thế nào trước điều được nghe?
. Tin nghĩa là gì (đối với một cá nhân, như một đôi vợ chồng, như một một gia đình)? và tại sao?
. Đâu là những khó khăn chính cho dự phóng chúng ta đã phác họa về cuộc sống đôi lứa?
. Một đôi bạn có thể sống chiều kích cộng đoàn trong Hội thánh như thế nào?
. Anh chị thử tìm xem đâu là những ý nghĩa khác nhau của các hạn từ sau đây: tham dự, dấn thân, sẵn sàng phục vụ, chứng tá?
 
Gặp gỡ IV:
VỚI BÍ TÍCH HÔN PHỐI
Mục đích:
Đi sâu vào ý nghĩa của việc cử hành hôn phối qua việc học biết quí trọng các yếu tố khác nhau đặc trưng của hôn ước. Hôn nhân được nhìn nhận như là một trong những cơ thời của ơn cứu độ và ân sủng Chúa ban cho những người cầu xin Người đến hiện diện với họ.
Cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa:
Lời dẫn:
Đức Giêsu hoàn thành lịch sử của Giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Người hiến thân trọn vẹn vì yêu thương và cứu độ nhân loại, qua việc kết hợp với nhân loại như hiền thê của Người. Người là Đấng Phu Quân của Hội thánh. Trong Đức Giêsu anh chị có thể khám phá và sống sự thật sâu xa nhất của hôn nhân: hôn nhân của các tín hữu (của các người đã rửa tội) là hình ảnh thực và sống động của Giao ước mới và vĩnh cửu kí kết trong máu Đức Kitô. Tình yêu phu thê của các đôi bạn Kitô hữu, bởi hành động của Chúa Thánh Thần, trở thành nơi Chúa Phục sinh hiện diện, là dấu chỉ hữu hiệu và hằng ngày của tình yêu Người đối với chúng ta.
Lời Chúa: trích Thư của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêsô
« Vậy, anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt. Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng» (Ep 5,1-2.21-33).
Linh mục: Khi học biết và chiêm ngắm sự cao cả kì diệu của bí tích hôn phối, chúng ta hãy dâng lên Chúa lời ca tụng và tạ ơn. Xin mọi người cùng lặp lại:
-         Lạy Chúa, tạ ơn Chúa thật là chính đáng và phải đạo.
Cđ.:Lạy Chúa, tạ ơn Chúa thật là chính đáng và phải đạo.
Người nam: Chúa đã thiết lập với dân Chúa một Giao ước mới để trong Đức Kitô, Người đã Chết để cứu rỗi chúng ta và Phục sinh trong vinh quang, nhân loại trở nên được dự phần vào đời sống bất tử của Ngài và đồng thừa hưởng vinh quang trên trời.
Cđ.:Lạy Chúa, tạ ơn Chúa thật là chính đáng và phải đạo.
Người nữ: Trong Giao ước giữa người nam và người nữ Chúa đã ban cho chúng con hình ảnh sống động của tình yêu Đức Kitô dành cho Hội thánh, và trong bí tích hôn phối xin hãy tỏ cho chúng con thấy tình yêu nhiệm mầu khôn dò của Ngài.
Cđ.:Lạy Chúa, tạ ơn Chúa thật là chính đáng và phải đạo.
Câu hỏi giúp suy tư:
- Thế nào là các bí tích?
- Chúng ta biết nghi lễ hôn phối Kitô giáo có những ý nghĩa gì?
- Hai người tín hữu quyết định kết hôn với nhau trước mặt Chúa, việc đó có khác biệt gì so với những người khác kết hôn theo các ‘nghi lễ’ khác?
Suy tư:
Con đường đã đi qua cho thấy trong quyết định kết hôn người Kitô hữu không vô tâm vô tình nhưng đánh dấu trước hết chặng đường đính hôn và quyết định sau cùng của họ. Bởi thế hai người Kitô hữu đính hôn không chỉ đơn thuần “kết hôn” với nhau, nhưng còn có ý hướng và xin được “kết hôn trong Hội thánh”, nghĩa là chia sẻ đức tin của Hội thánh.
Bí tích hôn phối: dấu chỉ hữu hiệu của tình yêu Đức Kitô
«Hôn nhân Kitô giáo, phản ánh sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội thánh của Người, được thực hiện một cách trọn vẹn trong sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, họ hiến thân cho nhau trong một tình yêu độc hữu và sự trung thành trong tự do, họ thuộc về nhau cho đến chết và mở ra cho việc truyền sinh, họ được thánh hiến bởi bí tích trao ban ân sủng để xây dựng một Hội thánh tại gia và men của sự sống mới cho xã hội» (Amoris Laetitia 292; HĐGMVN, Thư gửi các Gia đình công giáo, 1).
Khi dùng chữ “Bí tích” người ta muốn nói ngay đến một nghi lễ cử hành bởi Hội thánh và trong Hội thánh. Sâu xa hơn, với từ ngữ ấy chúng ta muốn nói rằng, qua hành động cử hành nghi thức đặc thù này (dù là Rửa tội hay Thêm sức, Hòa giải hay Thánh Thể, Xức dầu bệnh nhân hay Hôn phối hoặc Truyền Chức thánh) chính Chúa Giêsu hành động, Người ban ơn cứu độ cho con người bằng cách hiện tại hóa mầu nhiệm Vượt Qua cho chúng ta tại đây và hôm nay. Bằng cách đó, Người cho ta có thể dự phần vào Thập giá và Phục sinh của Người. Trong những thế kỉ đầu của đời sống Hội thánh, hôn phối đã được cử hành không có nghi lễ đặc thù riêng, mà chủ yếu theo tập tục của xã hội trong đó đôi bạn Kitô hữu đang sống. Nhưng kể từ đó, trước mỗi dịp kết hôn, các Kitô hữu đã ý thức mình sống trong một thực tại “thánh thiêng”: người ta biết đó là hai người tín hữu kết hôn “trong Chúa”. Lời ưng thuận kết hôn mà hai người Kitô hữu tuyên bố “được biến hình” từ bên trong nhờ phép Rửa tội họ đã lãnh nhận. Đôi tân hôn Kitô hữu biết rằng họ kết hợp nên một trong Đức Kitô. Từ ý thức này Hội thánh đi đến chỗ nhìn nhận giá trị của hôn nhân như là một bí tích. Thánh Phaolô trong Thư gửi tín hữu Êphêsô (5,22-30) đã xét đến kinh nghiệm vợ chồng cụ thể này và nhấn mạnh rằng: quan hệ giữa vợ và chồng là một quan hệ  “trong Chúa”; vợ phải “tùng phục” chồng như Hội thánh tùng phục Đức Kitô; chồng phải yêu thương vợ mình như Đức Kitô yêu thương Hội thánh. Khi ấy, mầu nhiệm phải được hiểu như là hành động cứu độ của Thiên Chúa, Đấng đã sai Con của Người đến mạc khải cho ta dung mạo Thiên Chúa là Cha của Người, cũng như là hành động của Đức Giêsu Kitô. Như thế hôn nhân là bí tích và trong bí tích đó Chúa Thánh Thần Đấng được tuôn tràn ban cho đôi bạn một quả tim mới và làm cho người nam và người nữ có khả năng yêu mến như Chúa Kitô đã yêu mến chúng ta. Tình yêu vợ chồng, vì thế, phải hướng đến mức viên mãn của nó như đã được tiền định tự bên trong: tình bác ái phu thê. Đoạn thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô còn nhấn mạnh một điểm cốt yếu khác nữa về nội dung của bí tích hôn phối. Nó xuất phát từ chính tình yêu vợ chồng cụ thể diễn tả trong đời sống đôi bạn và gia đình. Chính thực tại đặc thù của đôi bạn tín hữu đã rửa tội (toàn thể con người, nam cũng như nữ, với xác thân của người nam và người nữ họ trao đổi yêu thương và hiến dâng cho nhau cách trọn vẹn, duy nhất, bất khả phân li và phong nhiêu) được biến đổi thành “bí tích”. Trung tâm điểm của cử hành hôn phối là lời tuyên bố ưng thuận đôi tân hôn trao cho nhau . Thực tế có một nguy cơ là lời tuyên hứa ưng thuận giữa một người nam và một người nữ diễn ra khá thường ấy có thể hơi bị xem nhẹ. Trong khi, thực ra chúng ta đang đối diện với một phép lạ, đó là một người tự nguyện hiến chính mình cho một người khác, dám trao phó con tim mình, cuộc sống mình, số phận mình cho người ấy, phó thác cho mầu nhiệm của một nhân vị khác.
Hôn phối một “bí tích thường xuyên”
«Bí tích Hôn Phối không chỉ là thời điểm cử hành hôn lễ nhưng là thực tại tác động toàn bộ đời sống hôn nhân» (HĐGMVN, Thư Chung 2016).
Nói hôn nhân là một bí tích có nghĩa là nhìn nhận rằng qua hành động của đôi hôn phối nói lên sự ưng thuận chính Đức Kitô hoạt động: Người mạc khải và thực hiện cái gì đó thuộc tình yêu của Người cho Hội thánh và cho con người. Hẳn là Đức Kitô sẽ hiện diện cả trong những hoàn cảnh khác thường nhật hơn của đời sống; nhưng công bố sự ưng thuận vẫn là một hành động biệt loại, không ở trên cùng một bình diện với tất cả các hành động khác của tình yêu đôi bạn trao cho nhau về sau. Hôn phối có thể được xếp vào loại “bí tích thường xuyên”: suốt cuộc sống hôn nhân của họ, trong những hoàn cảnh nhất định, đôi bạn có thể tái hiện lại bí tích hôn phối qua việc tạo ra những hiệu quả của ân sủng và ý nghĩa sâu xa ấy vốn đã được thực hiện trong thời điểm cử hành lễ cưới. Điều đó xảy ra trong mọi hành động đặc thù của tình yêu giữa đôi vợ chồng – kể cả hành động kết hợp tính dục vợ chồng – để trải nghiệm trong sự tự do và ý thức, một cách chân thật, như những hành động đích thật của tình yêu.
Hôn nhân, Thánh Thể và bước theo Chúa Kitô
Thế nên, nói hôn nhân là “bí tích” điều đó có nghĩa là khẳng định rằng chính hôn nhân là một âm vang vọng của lời “xin vâng” của tình yêu được loan báo và sống trên Thập giá của Đức Kitô. Chính vì thế, hôn nhân được mời gọi họa lại theo khuôn mẫu tình yêu của Giêsu và tái hiện lại những gì diễn ra nơi tình yêu thập giá ấy trong ngày hôm nay. Qui chiếu bí tích hôn phối đến tình yêu của Chúa Kitô trên Thập giá còn gợi sự liên hệ chặt chẽ giữa Hôn nhân và Thánh Thể: Mình Thánh trao ban, Máu Giao ước đổ ra của Chúa Kitô trở thành cơ sở, nguyên mẫu và sức mạnh cho đời sống bác ái của mỗi Kitô hữu, của các đôi bạn và gia đình Kitô hữu. Chính trong hi tế này đôi bạn Kitô hữu tìm thấy nguồn mạch không ngừng tuôn trào và định dạng cho Giao ước phu thê của mình.
«Đức Giêsu gõ cửa các gia đình chia sẻ với họ bữa tiệc Thánh Thể (cf. Kh 3,20). Ở đó, vợ chồng luôn luôn có thể kí kết lại giao ước Vượt Qua vốn là giao ước đã kết hợp họ và phản ảnh Giao ước mà Thiên Chúa đã kí kết với nhân loại trên thập giá[13]. Thánh Thể là bí tích của Giao Ước Mới, trong đó công trình cứu chuộc của Đức Kitô được thực hiện (cf. Lc 22,20). Như thế mối liên kết sâu xa giữa đời sống hôn nhân và Thánh Thể càng trở nên càng rõ nét hơn[14]. Lương thực Thánh Thể là sức mạnh và động lực cần thiết cho đôi vợ chồng để sống hôn ước mỗi ngày như một “Hội thánh tại gia”» (Amoris Laetitia 318).
Khi ấy, người ta có thể kết luận rằng đối với hai bạn đính hôn Kitô hữu, kết hôn trong Hội thánh nhằm mục đích cuối cùng là gia tăng tình yêu Chúa Giêsu Kitô hơn, bằng cách sống như Người, hay bước theo ơn gọi nên thánh của mình.
Bí tích hôn phối xây dựng Hội thánh
Sự hiện diện của linh mục chứng hôn cho đôi bạn kết hôn trong Hội thánh diễn tả sự kiện hôn phối liên hệ đến toàn thể Hội thánh. Thể thức công khai và hình thức Hội thánh của lễ Hôn phối không chỉ là một thủ tục bên ngoài. Nó hàm chứa một sự nhìn nhận và bảo vệ cho quyết định này và nói lên rằng cộng đoàn Kitô hữu cảm thấy mình đồng trách nhiệm hoàn thành cuộc hôn nhân này. Hơn nữa, tình yêu của đôi vợ chồng góp phần hiệu quả để xây dựng Hội thánh. Đôi vợ chồng góp phần trước hết qua việc đón nhận và giáo dục con cái mà Chúa sẽ ban cho họ và còn qua gương mẫu sống đức tin, sống tinh thần hiếu khách và cởi mở đón nhận tha nhân khi trở nên những tế bào sống động của Giáo hội.
Hôn nhân và “những thực tại cánh chung”
Hôn nhân Kitô giáo loan báo, tiên trưng và báo trước niềm vui và sự viên mãn của thời cánh chung. Nhưng hôn nhân không phải là một giá trị tối hậu, và như thế, người ta không thể phóng chiếu trên hôn nhân những mong đợi và những kì vọng quá đáng. Không người nào có thể ban cho người bạn đời kia “thiên đàng tại thế”. Hạnh phúc hai người có được trong tình yêu của họ chỉ là một hình ảnh bất toàn và còn khiếm khuyết của niềm hạnh phúc sau cùng mà chỉ một mình Chúa mới có thể ban cho.
«Quả thật, trên thực tế không gia đình nào là hoàn hảo và được kiện toàn một lần dứt khoát; nhưng đòi hỏi một sự phát triển tiệm tiến khả năng yêu thương của mình. Có một tiếng gọi không dứt, phát xuất từ sự hiệp thông viên mãn của Thiên Chúa Ba Ngôi, từ sự kết hợp kì diệu giữa Đức Kitô và Hội thánh của Người, từ cộng đoàn kiều diễm là Gia đình Nadarét, và từ tình huynh đệ vô tì tích giữa các thánh trên thiên quốc. Tuy nhiên, việc chiêm ngắm sự viên mãn mà chúng ta chưa đạt tới cũng giúp chúng ta biết tương đối hóa trong khi nhìn lại cuộc hành trình lịch sử mà chúng ta đang thực hiện trong tư cách là gia đình, để rồi chúng ta không còn đòi hỏi các mối tương quan liên vị của chúng ta phải hoàn hảo, phải tinh tuyền trong ý hướng, và phải nhất quán – điều mà chúng ta chỉ có thể gặp thấy trong Nước Trời mai sau» (Amoris Laetitia 325)
Thảo luận theo nhóm:
. Phản ứng tức thời của chúng ta như thế nào trước điều được nghe?
. Suy nghĩ về chi tiết một vài lời nói, cử chỉ trong nghi thức hôn phối (những câu hỏi của người chứng hôn trước lời ưng thuận, chính lời công bố sự ưng thuận, sự kiện trao nhẫn cho nhau) anh chị có thể cùng rút ra được một vài ý nghĩa trọng yếu nào?
. Đâu là những hệ quả từ những điểm nhấn quan trọng trên đây có thể đem lại cho cuộc sống hằng ngày?
 
Gặp gỡ V:
ĐƯỢC KÊU GỌI NÊN THÁNH
Mục đích:
Mỗi người tín hữu, theo bậc sống của mình, được mời gọi nên thánh qua việc dành chỗ cho Chúa Thánh Thần hoạt động. Mục đích của buổi gặp gỡ này để giúp các cặp đính hôn biết dự phóng một cuộc sống hôn nhân và gia đình tương lai, dấn thân cho sự tăng trưởng đời sống thiêng liêng và cố gắng làm cho cuộc sống hằng ngày tăng trưởng không ngừng theo thánh ý Chúa.
Cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa:
Lời dẫn:
Hôn nhân là một ơn gọi đặc biệt của Kitô giáo, nghĩa là một tiếng gọi kêu mời đi theo Chúa Giêsu mọi ngày trong cuộc sống chúng ta. Điều đó có nghĩa là toàn bộ cuộc sống hôn nhân và gia đình, trong mỗi khi hạnh phúc cũng như lúc gặp khó khăn, được thiết lập như một lối đường để đạt đến sự thánh thiện, tức là để nên thánh. Trong bí tích hôn phối, Chúa sẽ ban cho anh chị Thần Khí của Người và trợ giúp anh chị bằng những ơn huệ Người ban để anh chị tôn vinh “hình ảnh của Thiên Chúa” trong con người anh chị, để tác tạo anh chị thành những người nam và người nữ sống hiệp thông đích thực. Con đường nên thánh sẽ đòi hỏi anh chị phải chiến đấu quyết liệt để chống lại tội lỗi, để tránh xa mọi thứ ích kỉ và chia rẽ, và đáp lại Thiên Chúa tình yêu và hợp nhất. Chỉ như thế, trong sự hòa hợp trọn vẹn với chính mình, với người bạn đời và với những người khác, anh chị mới có thể “dâng hiến thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” như thánh Phaolô nói trong Thư gửi tín hữu Rôma (12,1). Toàn thể cuộc sống đôi lứa của anh chị sẽ được Thánh Thần Chúa phủ bóng và mọi phần của con người, mọi lúc của cuộc sống anh chị sẽ là lời ca tụng vinh quang Cha trên trời.
Lời Chúa: trích trong Thư của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêsô
«Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu. Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người. Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu. Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô. Cũng trong Đức Kitô, Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hi vọng vào Đức Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người» (Ep 1,3-12).
Linh mục:
Lạy Cha chí thánh, xin nhậm lời cầu nguyện của những con cái Cha đây, là những người con đang chuẩn bị cuộc sống hôn nhân của họ như một lối đường để nên thánh theo Thần Khí Chúa. Chúng con cầu nguyện cùng Cha bằng những lời lẽ của lời chúc lành mà linh mục sẽ khẩn cầu ban xuống trên đôi bạn ngày tân hôn.
Những người nữ:
Lạy Cha, chúng con cầu xin cho những người bạn là hôn phu tương lai của chúng con đây, để một khi nên mạnh mẽ nhờ chúc lành của Cha, các anh sẽ hoàn tất cách trung tín và can đảm sứ vụ làm chồng và làm cha của các anh.
Những người nam:
Lạy Cha, chúng con cầu xin cho những người bạn là hôn thê tương lai của chúng con đây, để một khi được ân sủng Cha nâng đỡ, các chị em sẽ noi theo những phụ nữ thánh thiện mà Sách Thánh ca tụng như những người vợ và người mẹ gương mẫu.
Tất cả các anh chị đính hôn:
Lạy Cha, xin cho chúng con biết yêu thương nhau bằng chính tình yêu mà Chúa Kitô đã yêu thương Hội thánh của Người.
Linh mục:
Lạy Cha, các con cái của Cha đây xin dâng lời hân hoan ngợi khen Cha, nguyện tìm Cha trong đau thương; vui hưởng tình bằng hữu của Cha trong khổ nhọc và lời ủi an của Cha trong những khi túng cực; xin cho họ nguyện cầu cùng Cha trong Đại hội các thánh, để họ trở thành những chứng nhân cho Tin Mừng của Cha và đạt đến hạnh phúc trong Nước Cha. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.
Câu hỏi giúp suy tư:
- Các thánh là ai? Sự thánh thiện liên quan thế nào tới hôn nhân?
- Khi nhìn vào đời sống hằng ngày, đâu là những nỗi lo sợ chính yếu nhất cho cuộc sống hôn nhân tương lai?
- Chúng ta có xem những suy tư đề nghị cho chúng ta trong những gặp gỡ này là chuyện lí thuyết không?
Suy tư:
Hôn nhân và ơn gọi nên thánh
«Chúa Kitô Con Thiên Chúa, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, được ca tụng là “Đấng Thánh duy nhất”, đã yêu quí Hội thánh như hiền thê mình và đã hiến thân để thánh hóa Hội thánh. Người kết hợp với Hội thánh như Thân mình Người và ban cho dư đầy ơn Thánh Thần để làm vinh danh Thiên Chúa. Vì thế tất cả mọi người trong Hội thánh (…) đều được kêu gọi nên thánh» (Lumen gentium 39).
«Hôn nhân Kitô giáo, phản ánh sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội thánh của Người, (…) được thánh hiến bởi bí tích trao ban ân sủng để xây dựng một Hội thánh tại gia và men của sự sống mới cho xã hội» (Amoris Laetitia 292).
Tông huấn Familiaris Consortio khẳng định rằng việc nên thánh riêng của các đôi vợ chồng Kitô hữu “được xác định bởi bí tích đôi bạn đã cử hành và được thể hiện cụ thể trong thực tế riêng của cuộc sống hôn nhân và gia đình” (56). Bí tích mà các Kitô hữu lãnh nhận trong hôn nhân dẫn đưa họ vào một cuộc sống chung, được bao bọc bởi một tình yêu đằm thắm rạng ngời tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Bởi thế, tình yêu của các đôi vợ chồng là “thánh thiện”, nếu nó mang lấy những đặc tính trọn vẹn và tận tình mà Chúa Giêsu nói: «Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng hãy yêu thương nhau» (Ga 15,12).
Ơn gọi nên thánh phổ quát
Sự thánh thiện, trước khi là hoa trái của quyết định có ý thức của cá nhân hoặc của đôi bạn tín hữu, là một ơn huệ do Chúa trao ban trong Giáo hội cho chúng ta qua bí tích Rửa tội, và chúng ta được kêu gọi hết sức làm phát triển nó đến mức viên mãn. Chúng ta có Đức Kitô là người mẫu ưu việt cho việc phát triển sự thánh thiện viên mãn này: sự sống của Người được trao phó vào vòng tay trìu mến của Chúa Cha vì anh em Người. Tình yêu này được biểu lộ và triển nở trong các điều kiện cụ thể của cuộc sống và tìm thấy trong Hội thánh những con đường “thông thường” của nó: phụng vụ, lắng nghe Lời Chúa, bác ái. Đời sống phu thê và hôn nhân chính là một trong những con đường người ta có thể dùng để đáp lại ơn gọi nên thánh theo những đặc tính của hôn nhân như hợp nhất, trung thành, bất khả phân li và phong nhiêu.
Người nam và người nữ vươn tới sự thánh thiện
Đời sống Kitô hữu không phải là một “đời sống đan tu” cũng không phải là cốt đi tìm “những thời gian thinh lặng và cầu nguyện”: nhưng đó là một “lối sống” trong Thần Khí gắn kết mọi chiều kích của cuộc sống. Theo nghĩa đó Hội thánh đã định vị đời hôn nhân như là một biểu đạt đặc trưng và đặc thù của sự thánh thiện. Điều đó có nghĩa là ân điển hiệp thông mà bí tích trao ban không tuôn đổ ráo hết trong ngày cử hành hôn phối mà kéo dài hiệu quả của nó ra trong suốt những ngày đời hôn nhân của đôi bạn.
Gìn giữ sự thánh thiện của đời sống đôi lứa
Đôi bạn thực hiện ơn gọi nên thánh của mình xuyên qua các thực tại tiêu biểu của đời sống hôn nhân và gia đình. Như thế, đối với các người vợ và người chồng, sự thánh thiện không nằm ở nơi đâu khác mà, nằm ngay trong chính cuộc sống hôn nhân, và qua đời sống vợ chồng, nằm trong tình trạng, phẩm giá và các bổn phận bao hàm trong đó. Đời sống phu thê lan tỏa ra bởi Chúa Thánh Thần, và với các ơn huệ của Ngài các ý nghĩa và chọn lựa của cuộc sống đôi lứa trở thành biểu trưng. Chẳng hạn như: nếu tình yêu của họ dành cho nhau được hướng dẫn bởi ơn hiểu biết thì họ sẽ không chỉ dừng lại ở vẻ bên ngoài con người của nhau mà còn cố tìm đọc hiểu các nhu cầu của người kia tương thích với sự thật; nếu để tình yêu đối với con cái được hướng dẫn bởi ơn sức mạnh, thì tình yêu sẽ có khả năng giúp đỡ con cái chiến đấu chống lại sự ác, vì thế họ không tránh né những hi sinh cần thiết hầu có được sự thiện.
Sự thánh thiện của hôn nhân và hành trình tiệm tiến
Nên thánh không đơn giản chỉ là một trạng thái “tiềm ẩn” nhưng phải được cụ thể hóa ra thành một hành trình tâm linh trong đó đôi vợ chồng tự nguyện chọn lựa, suy nghĩ, và thực hiện dần dần theo thời gian. Ơn gọi nên thánh được thực hiện qua một sự phân định về hành trình tâm linh cần phải hoàn tất trong tư cách của vợ chồng và tư cách của cha mẹ. Những chọn lựa của họ từ nay phải thể hiện định hướng của toàn bộ cuộc sống gia đình. Như thế, điều quan trọng là phải sống mỗi chiều kích của cuộc sống theo hướng “tâm linh” và bởi đó, hành trình của đôi bạn đính hôn đã phải đánh dấu bởi một sự quan tâm chăm chú vào đời sống thiêng liêng.
Cần có một linh đạo hôn nhân đích thật và sâu sắc
Có thể gợi ra đây một vài yếu tố cốt lõi và các lãnh vực sống linh đạo hôn nhân:
- Đó là một lối sống đời hôn nhân và gia đình nhằm mục đích luôn tiến đến sát gần hơn tình yêu của Chúa Kitô. Đối với các đôi vợ chồng, lối sống ấy thể hiện qua việc sống tình hiệp thông, cầu nguyện và tham dự phụng vụ. Việc nên thánh cá nhân và trong hôn nhân không nghịch, mà trái lại còn làm thăng hoa đời sống nhân bản và đức tin của cá nhân và của đôi bạn.
«Linh đạo tình yêu gia đình được cấu thành từ hàng ngàn cử chỉ thực tế và cụ thể. Trong tình hiệp thông được xây dựng từ bao nhiêu là hi sinh và gặp gỡ, Thiên Chúa có chỗ ngự trị của Ngài. Sự dâng hiến cho nhau đó kết hợp “những giá trị nhân văn và thần linh”, vì nó là sự tròn đầy của tình yêu Thiên Chúa» (Amoris laetitia 315).
«Nếu gia đình luôn qui hướng về Đức Kitô, Người sẽ hiệp nhất và soi sáng toàn thể đời sống của gia đình. Những khổ đau và những vấn đề của gia đình trải nghiệm trong sự thông hiệp với Thập Giá của Chúa, và được Người ôm lấy sẽ giúp gia đình chịu đựng được những thời khắc tồi tệ. Trong những ngày giờ cay đắng của gia đình, việc kết hợp với Đức Giêsu bị bỏ rơi có thể giúp tránh được sự đổ vỡ. Các gia đình dần dần, đạt đến sự thánh thiện của mình qua đời sống hôn nhân, bằng ân sủng của Thánh Thần và bằng việc tham dự vào mầu nhiệm thập giá Đức Kitô, nhờ đó những khó khăn và đau khổ chuyển hóa thành một hiến lễ tình yêu» (Amoris laetitia 317).
- Linh đạo phát sinh từ bí tích hôn nhân đảm nhận cả thực tại thể xác của người nam và người nữ và quan hệ yêu đương của họ, để cho thấy con đường chủ đạo thực hiện viên mãn. Tính dục của đôi bạn đề cao các chiều kích hiến dâng, vô cầu, đón nhận sự sống có trách nhiệm. Đó là một linh đạo sống tính dục nhân bản và nhân vị toàn vẹn. Từ bản tính của tình yêu phu thê, ta thấy linh đạo hôn nhân là :
«linh đạo của tình yêu tự do và độc hữu» (Amoris laetitia 319).
- Thần Khí được tuôn ban trong bí tích đưa đôi bạn vào trong Hội thánh với tư cách như một đôi vợ chồng Kitô hữu và biến họ thành một biểu hiện mầu nhiệm hiệp thông, điều mà toàn thể gia đình phàm nhân được kêu gọi hướng tới. Cả điều này cũng cần được thực hiện theo cách thế không có “cạnh tranh” giữa đời sống gia đình và tham dự vào các sinh hoạt Giáo hội. Vấn đề là làm sao hòa hợp về thời gian và nguồn lực nhưng nhất thiết phải tránh thái độ khép kín làm “tàn tạ” gia đình theo cái nhìn thiêng liêng.
Các nguồn lực và phương tiện để nâng đỡ và nuôi dưỡng linh đạo hôn nhân
Tham dự các bí tích, cầu nguyện và tạ ơn, chứng tá cho một đời sống thánh thiện, với những hi sinh và việc bác ái là những trọng điểm của linh đạo Kitô giáo và đòi hỏi phải được đôi bạn sống một cách trọn vẹn, theo nhịp riêng của đời sống gia đình. Đặc biệt, ngày càng thấy rõ ràng hơn cần thiết phải xác minh thường xuyên hành trình  đức tin của đôi bạn và gia đình, ngay cả phải nhờ đến bí tích Hòa giải, gặp gỡ và đối thoại với một vị linh hướng, đối thoại giữa hai vợ chồng. Trong hướng đi đó, người ta ngày càng nhận thấy các nhóm gia đình qui tụ thành cộng đoàn rất quan trọng. Họ nâng đỡ nhau, không để cho một đôi bạn nào lẻ loi cô đơn chịu đựng trước các hoàn cảnh khó khăn, hoặc trước nhiệm vụ gay go sống niềm tin của mình trong thế giới.
Thảo luận theo nhóm:
. Phản ứng tức thời của chúng ta như thế nào trước điều được nghe?
. Anh chị có cảm thấy sợ hãi, e thẹn và khó khăn khi phải nói ra những điều riêng tư thuộc đời sống nội tâm và thiêng liêng không? Đâu là những khó khăn chính và tại sao?
. Đâu là những hoàn cảnh có thể giúp củng cố và làm tăng trưởng linh đạo này trong cộng đoàn của chúng ta?
. Phải chăng giáo dục đời sống thiêng liêng cũng là một trong những mục tiêu chính yếu của việc giáo dục con cái? Chúng ta có thể gặp phải những vấn đề nào?
---------------------------------------------------------------------------------
[1] HĐGM Ý, UBGM về Gia đình và sự Sống, Orientamenti pastorali sulla preparazione al matrimonio e alla famiglia, 22.10.2012, 1. Cf.Phanxicô, Amoris laetitia, 207 trích dẫn.
[2]Phanxicô, tông huấn Niềm vui Tình yêu (Amoris Laetitia), 206.
[3]Ibid. 207.
[4] HĐGMVN, Thư Chung 2016 s. 5.
[5]Phanxicô, Niềm vui của Tình yêu, cit., 208.
[6]Gioan Phaolô II, Thần học về Thân xác XLVIII, 1, bản dịch Việt ngữ, NXB Tôn giáo 2016, 352.
[7]Gioan Phaolô II, Thần học … cit., 125.
[8] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui của Tình yêu),  151.
[9]Amoris Laetitia, cit., 90.
[10]Bênêđictô XVI,tđ. Deus caritas est, 11. Cf. Phanxicô, Amoris … cit., 70.
[11]Amoris Laetitia, cit., 207.
[12]Ibid., 208.
[13] Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio 57.
[14] Chúng ta cũng không được quên rằng giao ước của Thiên Chúa với dân Ngài được diễn tả như một sự đính hôn (Cf.Ed 16,8. 60; Is 62,5; Hs 2,21-22), và giao ước mới cũng được trình bày như một hôn ước (Cf.Kh 19,7; 21,2; Ep 5,25).
 
Tác giả bài viết: Fx Trần Anh Dũng
Nguồn: Ủy ban Kinh Thánh-HĐGMVN