Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: thư gửi quý linh mục tháng 6-2020

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.8) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

Ngày 9 tháng 6 năm 2020
THƯ GỬI CÁC LINH MỤC
Dịp Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu
«Chức linh mục chính là tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu»

Quí cha rất thân mến,
Khi nói về chức linh mục, người ta thường nói nhiều đến khía cạnh « thừa tác », chức năng, phẩm trật, cơ chế. Thực ra chiều kích tình yêu mới là điều tiên quyết trong ơn gọi linh mục và là chìa khóa đem lại giải đáp cho các vấn đề của đời sống linh mục. Nhấn mạnh đến khía cạnh thừa tác là điều cần thiết để làm nổi bật « sự khác biệt về yếu tính » của chức linh mục so với chức tư tế chung của các tín hữu (Lumen gentium 10). Tuy nhiên nếu chỉ chú trọng tới phương diện thừa tác, chúng ta có nguy cơ làm cho đời sống linh mục trở nên một cơ chế khô cằn, không sức sống, và không thể giải quyết tận căn các vấn đề.
Nhân dịp lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày thánh hóa các linh mục, chúng ta suy gẫm tâm tình của thánh Gioan-Maria Vianney, bổn mạng của các linh mục : « Chức linh mục chính là tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu » (Le sacerdoce, c’est l’amour du Cœur de Jésus).
Tình yêu của Chúa là nguồn mạch của ơn gọi linh mục
Chắc chắn không một linh mục nào chưa một lần tuyên xưng mình được làm linh mục hoàn toàn là do tình yêu của Chúa. Tôi làm linh mục không phải vì tôi yêu Chúa cho bằng vì Chúa yêu tôi.
Một cha kể lại có lần người ta hỏi ngài : cha làm linh mục, chắc là vì cha yêu mến Chúa nhiều lắm phải không ? Ngài trả lời bằng cách kể lại biết bao nhiêu lần ngài phá phách nghịch ngợm, suýt bị sa thải, rồi kết luận : tôi chưa kịp yêu Chúa thì Chúa đã thương tôi và cho làm linh mục.
Một bài thơ diễn tả một cảm nhận đẹp : trước khi gặp anh, em chẳng là gì nhưng cứ ngỡ mình là quan trọng ; nhưng từ khi gặp anh và được anh cho là quan trọng, em lại thấy mình chẳng là gì.
Chính tình yêu của Chúa nâng chúng ta lên thành bạn hữu. « Như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu anh em. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy » (Ga 15, 9). Lời tỏ tình này được nói trước hết với các Tông đồ, những người sẽ thi hành chức linh mục thừa tác.
Linh mục không phải là nhân viên quản trị hành chánh, người tổ chức hoạt động xã hội, hoặc chuyên viên cử hành lễ nghi tôn giáo. Chúng ta làm linh mục cũng không phải chỉ vì muốn làm điều tốt để đổi mới thế giới và phục vụ người nghèo.
Tại nhiều nơi trên thế giới, các dịch vụ giáo dục, y tế, cứu trợ, được xã hội đảm nhận và tổ chức rất hiệu quả, không cần đến các tổ chức tôn giáo. Hoặc trong nhiều cộng đoàn phương tây, số giáo dân thực hành đạo rất ít. Trong những hoàn cảnh như thế, nhiều linh mục rơi vào khủng hoảng vì không biết mình làm linh mục để làm gì. Cuộc khủng hoảng căn tính trong thực tế đã làm cho nhiều người rời bỏ chức linh mục. Chú trọng tới tác vụ mà quên hun đúc tình yêu, hậu quả tất nhiên sẽ là như thế.
Giả như thời gian giãn cách do dịch covid-19 vừa qua kéo dài thật lâu, các linh mục dâng lễ mà không có giáo dân tham dự, có khi cả ngày lủi thủi một mình trong nhà xứ, biết đâu chính chúng ta cũng rơi vào khủng hoảng và đời sống linh mục sẽ nhạt dần.
Lý do chính yếu và nền tảng cho sự tận hiến cuộc đời trong ơn gọi linh mục là vì chúng ta đã được tình yêu Chúa Giêsu chinh phục : « Chính tôi đã được Đức Kitô chiếm đoạt » (Pl 3, 12). Điều này mang tính cách quyết định trong ơn gọi linh mục. Chúa yêu tôi và chọn tôi, cách dứt khoát, vĩnh viễn, và tôi cũng đáp lại bằng tình yêu, dứt khoát và vĩnh viễn, không so đo tính toán.
«Những gì xưa kia tôi cho là lợi lộc, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Tôi coi mọi sự là thiệt thòi, so với sự tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đã bỏ hết, và tôi coi tất cả như rác rưởi, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người… » (Pl 3, 7-9).
Cái «biết» của Phaolô không lý thuyết, nhưng là tình yêu say mê của con tim đã đưa ngài đến chỗ thay đổi hoàn toàn và thúc đẩy ngài hiến thân trọn vẹn cho Chúa và tha nhân.

Tình yêu là hồn của thừa tác vụ linh mục
Đặt ưu tiên cho tình yêu không có nghĩa là coi nhẹ thừa tác vụ. Chính « tác vụ » làm nên tính đặc thù của chức tư tế «thừa tác ». «Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại » (Ga 15, 16). Làm linh mục là để thi hành tác vụ trong Hội Thánh và giữa lòng thế giới. Làm linh mục mà không dấn thân cho thừa tác vụ, suốt ngày không biết làm gì, hoặc tiêu hao thời gian vào những việc theo ý riêng, thì cũng là đánh mất căn tính linh mục.
Tuy nhiên, chính tình yêu mới là cái hồn của thừa tác vụ. Các nhiệm vụ của linh mục không giống như công việc hành chính của công chức, mà là « công việc của tình yêu » (« amoris officium », thánh Augustinô), bắt nguồn từ tình yêu và được chu toàn trong tình yêu, tựa như « thừa tác vụ » của cha mẹ đối với con cái hoặc của vợ chồng đối với nhau.
Trước khi trao sứ vụ mục tử cho thánh Phêrô, Chúa đã hỏi ngài : « Này anh Simon, con Gioan, con có yêu mến Thầy không ? » Chỉ sau khi ngài trả lời : « Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy », Chúa mới trao cho ngài nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên của Chúa. Không thể trao thừa tác vụ mục tử cho một người không có tình yêu. Không phải một lần, hai lần, mà là ba lần như thế (x. Ga 21, 15-17). Đó không phải chỉ là câu hỏi và trả lời ngẫu hứng thoáng qua, nhưng là cuộc đối thoại đầy trìu mến.
Mới ít ngày trước đó, thánh Phêrô đã chối Thầy, nhưng ánh mắt của Thầy nhìn thẳng vào Phêrô, đầy trìu mến. Làm sao thánh Phêrô quên được ánh mắt đó ! Hôm nay khi Thầy hỏi « con có yêu mến Thầy không ? », mặc dù sách Tin Mừng không nói rõ, nhưng chúng ta có thể chắc chắn là Thầy cũng đã nhìn thánh Phêrô, và thánh Phêrô cũng đã nhìn thẳng vào mắt Thầy để nói « Thầy biết con yêu mến Thầy ». Đôi mắt người môn đệ và đôi mắt của Thầy nhìn thẳng vào nhau : chúng ta gặp được ở đó một tình yêu bùng cháy, một sự hút hồn. Sứ vụ mục tử phát xuất từ ngọn lửa tình yêu đó.
Chúng ta sẽ không được trao bất cứ thừa tác vụ, chức năng, sứ vụ, hay năng quyền nào, nếu không có tình yêu ; và cũng sẽ không thể chu toàn bất cứ thừa tác vụ hay năng quyền nào, nếu không có tình yêu. Công việc mục vụ đa dạng, phức tạp, khó khăn, vất vả, nhiều lúc biến chúng ta nên người công chức hành chính, hoặc « hành là chính ».
Mỗi ngày chúng ta hãy nhìn lên Chúa, hãy để cho đôi mắt Chúa nhìn chúng ta và chúng ta nhìn vào mắt Chúa để tuyên xưng : «Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy». Tình yêu của Chúa sẽ được tuôn trào sang chúng ta để làm nên đức ái của người mục tử. Lúc đó Chúa mới có thể tin tưởng trao phó sứ vụ mục tử cho chúng ta.
Nhờ tình yêu, trong mọi sinh hoạt mục vụ, người linh mục sẽ biểu lộ tình yêu của Thánh Tâm đang thương xót con người. Những ai đến với chúng ta đều có thể cảm nhận như thể Chúa đang hiện diện và tuôn trào cho họ lòng thương xót của người mục tử, và chúng ta cũng không bao giờ dám từ chối những ai đến xin xưng tội hay xức dầu bệnh nhân.
Nếu không có tình yêu, cách ứng xử và giải quyết công việc của chúng ta sẽ lạnh nhạt, cứng nhắc, vị luật, chứ không phản chiếu được lòng thương xót của Chúa, thậm chí thiếu cả tình người. Ngay cả khi không thể đáp ứng nguyện vọng của người khác, chúng ta vì là linh mục, ít ra cũng hãy để lại một dấu ấn yêu thương và thiện cảm nơi họ. Trong những trường hợp khó khăn, đôi khi chúng ta hãy đặt mình như thể đang giải quyết công việc cho một người thân thiết, vừa giữ đúng đường lối của Hội Thánh vừa thích nghi phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Chính tình yêu khơi dậy sáng kiến cho hoạt động mục vụ, và sẽ chỉ cho chúng ta biết việc phải làm. Tình yêu cũng sẽ là ngọn lửa thúc bách chúng ta và khơi dậy lòng nhiệt thành mục vụ.
Một điều hết sức quan trọng cần lưu tâm trong bối cảnh ngày nay, đó là đức ái mục tử làm nên sự thống nhất đời sống linh mục. Có biết bao nhiêu chuyện phải làm, từ những điều chính yếu đến muôn ngàn chuyện phụ, từ dâng lễ đến xây dựng nhà thờ, từ giảng lễ đến dọn dẹp phòng áo, từ xức dầu bệnh nhân đến dạy giáo lý, họp mục vụ hay trả tiền điện nước…, nhiều lúc chúng ta chỉ lo làm, làm và làm. Nếu không được nối kết vào một lực thống nhất, cuộc đời linh mục bị xé thành mảnh vụn, và chúng ta sẽ mau mệt mỏi, chán ngán, và biết đâu sẽ có ngày rơi vào tình trạng stress. Ngược lại, nếu biết thống nhất đời sống vào động lực đức ái mục vụ, chúng ta sẽ tìm được bình an nội tâm và an vui hạnh phúc ngay giữa những mệt mỏi hay căng thẳng của cuộc đời.
Con đường nên thánh của linh mục, đặc biệt của linh mục giáo phận, là nên thánh qua việc thi hành thừa tác vụ. Tuy nhiên sự thánh thiện không chỉ hệ tại ở làm xong công việc, mà còn tùy thi hành nhiệm vụ với cung cách nào, với thái độ nội tâm ra sao. Chính tình yêu đối với Chúa và đối với dân mới làm nên sự thánh thiện của mục tử.
Trở về với tình yêu
Lòng trung tín và nhiệt thành trong đời linh mục tuỳ ở mức độ chúng ta cảm nhận và đáp lại tình yêu của Chúa như thế nào. Không phải lúc nào chúng ta cũng giữ được ngọn lửa tình yêu ấy luôn cháy nóng. Thời gian năm tháng hoặc khó khăn thất bại sẽ làm tình yêu suy giảm nhạt phai. Cần phải hâm nóng tình yêu mỗi ngày.
Tại miền quê nghèo, đôi bạn trẻ đang thời kỳ đính hôn chở nhau trên chiếc xe đạp leo lên quãng đường dốc dác. Cô gái ngồi sau thấy người yêu mồ hôi nhễ nhại mệt nhọc vì lấy hết sức đạp xe leo dốc, mới hỏi chàng trai : « Anh mệt lắm hả ? » Chàng trai nín hơi để trả lời « bình thường », nhưng vì mệt đứt hơi, nên âm thanh phát ra lại là « phình phường ». Vài năm sau khi kết hôn, đôi tân hôn cũng lại chở nhau với chiếc xe đạp cũ trên quãng đường ấy. Người vợ cũng hỏi lại câu hỏi ngày xưa : « Anh mệt lắm hả ? », nhưng lần này câu trả lời lại là : « Trâu hay sao mà không mệt ! ».
Thực tế cuộc đời là như thế, và cuộc đời người tông đồ cũng không đi ra ngoài qui luật tâm lý ấy. Nếu tình yêu không được hâm nóng, mọi chuyện sẽ trở thành gánh nặng và khổ đau.
Tình yêu của Chúa dành cho linh mục cũng như tình yêu của linh mục dành cho Chúa cần được hâm nóng, nhưng không phải từ bên ngoài mà từ bên trong. Chỉ có đời sống cầu nguyện mới có thể làm mới lại tình yêu mỗi ngày. Chỉ có những giờ phút sống bên Thánh Thể Chúa mới có thể đốt lên ngọn lửa tình yêu. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể thay máu cho trái tim nhơ bẩn yếu hèn của chúng ta. Thế gian càng có nhiều luồng gió độc và mạnh, chúng ta càng cần ở lâu bên Chúa để cho Chúa có đủ thời giờ làm cho lò lửa nội tâm của chúng ta rực cháy và không ngọn gió nào có thể thổi tắt.
Một ngày nào đó, nếu « đã để mất tình yêu thuở ban đầu » (Kh 2, 4), nếu có những vấp váp hay trượt ngã, chúng ta hãy nhớ lại đôi mắt đầy yêu thương của Chúa. Như thánh Phêrô, không hề mặc cảm, chúng ta để cho đôi mắt Chúa nhìn chúng ta, và chúng ta cũng nhìn thẳng vào mắt Chúa và thật lòng nói lại lời năm xưa cũng là lời mỗi ngày : « Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa ». Chính tình yêu và ân sủng của Chúa có sức chữa lành vết thương. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể tái tạo tâm tư, lòng trí và tâm hồn để mãi mãi chúng ta là linh mục của Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Quí cha rất thân mến, mỗi ngày chúng ta hãy đọc lại lời nguyện : « Lạy ơn Trái tim nhân lành Đức Chúa Giêsu, xin ban ơn cho con kính mến Trái Tim một ngày một hơn » ; hoặc câu kết kinh cầu Trái Tim Chúa Giêsu : « Lạy Đức Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa ».
Kính chúc quí cha sống đời linh mục vui tươi hạnh phúc trong Trái Tim Chúa. Xin quí cha cũng cầu nguyện cho tôi.
Thân ái chào quí cha trong tình yêu của Chúa Giêsu.
(đã ký)
Giuse Nguyễn Năng
Tổng Giám Mục