Thế giới 29-7-2021: Bổ nhiệm tân Giám mục phó ở Trung Quốc

Bổ nhiệm tân Giám mục phó ở Trung Quốc; Giáo hội Nhật Bản cử hành 10 ngày cầu nguyện tưởng niệm thảm họa bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki; Vatican công bố hình ảnh chính thức cho Ngày Gặp gỡ các Gia đình Thế giới 2022; Ngọn lửa nhấn chìm nhà thờ cổ 163 năm của Glasgow, Scotland; “Giấc mơ ngàn năm” của giáo dân mong có nhà thờ trở thành sự thật là những thông tin đáng chú ý.

Bổ nhiệm tân Giám mục phó ở Trung Quốc

Đức tân Giám mục phó của Bình Lương là vị Giám mục thứ năm kể từ khi Hiệp định tạm thời giữa Tòa thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm các Giám mục có hiệu lực.

Vatican News đưa tin, ngày 28/7, Đức Giám mục Giuseppe Ma Yinglin của Côn Minh, tỉnh Vân Nam, chủ trì Thánh lễ tấn phong cha Antonio Li Hui làm Giám mục phó mới của Bình Lương, tỉnh Cam Túc.

Vị Tân Giám mục sinh năm 1972 tại Thiểm Tây, theo học tại Chủng viện giáo phận Bình Lương năm 1990. Ngài tốt nghiệp Đại chủng viện Quốc gia của Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc và thụ phong linh mục năm 1996.

Theo cha giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh Matteo Bruni, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cử tân Giám mục phó vào ngày 11/1/2021.

Giáo hội Nhật Bản cử hành 10 ngày cầu nguyện tưởng niệm thảm họa bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki

 

10 ngày cầu nguyện tưởng niệm thảm họa bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki
8 giờ 15 phút sáng 6/8/1945, quả bom nguyên tử phát nổ đã san phẳng thành phố Hiroshima. Ảnh: Viện lưu trữ quốc gia Nhật Bản.

Các Đức Giám mục Nhật Bản đã kêu gọi việc cấm vũ khí hạt nhân, khi ra thông báo chương trình 10 ngày cầu nguyện tưởng niệm vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki.

Kể từ ngày xảy ra vụ đánh bom, mỗi năm Giáo hội Nhật Bản đều dành 10 ngày để cầu cho hòa bình thông qua các buổi cầu nguyện, hội thảo, và các hoạt động hướng tới hòa bình khác.

Đức Tổng Giám mục Giuse Mitsuaki Takami của Tổng Giáo phận Nagasaki, kiêm chủ tịch Hội đồng Giám mục (HĐGM) Nhật Bản, đã thông báo về chương trình cầu nguyện, bắt đầu từ ngày 6/8 đến 15/8. Trong thông báo, ngài nhấn mạnh: “Bảo vệ tất cả sự sống tạo nên hòa bình”.

Thông điệp của Đức cha được đăng trên trang của HĐGM Nhật Bản. Ngài đặt niềm tin nơi việc bảo vệ sự sống là con đường dẫn tới hòa bình. Ngài cũng kêu gọi Nhật Bản, quốc gia từng hứng chịu các vụ ném bom nguyên tử, phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, thông điệp hòa bình của Đức cha cũng mời gọi các quốc gia giàu có hỗ trợ những nước nghèo hơn để vượt qua đại dịch Covid-19.

Vatican công bố hình ảnh chính thức cho ngày Gặp gỡ Gia đình Thế giới 2022

 

Hình ảnh chính thức cho ngày Gặp gỡ Gia đình Thế giới 2022
Cha Dòng Tên Marko Ivan Rupnik đứng cạnh bức tranh được chọn làm hình ảnh chính thức cho ngày Gặp gỡ các Gia đình Thế giới lần thứ 10 tại Roma. Ảnh: Youtube Giáo phận Roma.

Ngày 29/7, Tòa thánh đã chính thức công bố hình ảnh của ngày Gặp gỡ các Gia đình Thế giới năm 2022 tại Roma.

Theo CNA, bức tranh được vẽ bởi cha Dòng Tên người Slovenia Marko Ivan Rupnik và được công bố bởi Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống cùng Giáo phận Roma.

Bức tranh có tựa đề “Mầu nhiệm tuyệt vời”, mô tả tiệc cưới Cana, phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu được Thánh sử Gioan thuật lại. Cha Rupnik đã vẽ bức tranh bằng sơn vinyl trên tấm gỗ gắn thạch cao hình vuông với các cạnh khoảng 76cm.

Bức tranh có tên “Mầu nhiệm tuyệt vời” là hình ảnh chính thức của ngày Gặp gỡ các Gia đình Thế giới 2022 tại Roma.

Bức tranh vẽ cô dâu và chú rể đứng sau tấm màn che bên trái, Chúa Giêsu và Đức Maria ở bên phải, trước mặt là người hầu rót rượu.

Cha Rupnik trong một video chia sẻ ý nghĩa của tác phẩm đã nói rằng gia đình là biểu đạt của Bí tích Hôn phối. Vì vậy, gia đình luôn được biến đổi trong Chúa Thánh Thần.

Ngày Gặp gỡ các Gia đình Thế giới lần đầu tiên diễn ra tại Roma năm 1994. Cuộc gặp gỡ này diễn ra ba năm một lần và lần gần đây nhất là ở Dublin, Ireland năm 2018. Sự kiện lần thứ 10 này sẽ là lần thứ ba Roma đăng cai, dự kiến tổ chức vào tháng 6/2021, nhưng bị hoãn lại một năm vì đại dịch Covid-19.

ĐTC Phanxicô đã kêu gọi các Giáo hội địa phương trên toàn cầu tổ chức các cuộc gặp mặt gia đình cùng lúc với cuộc gặp lại Roma. Sự kiện này dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 22/6 đến 26/6 năm 2022.

Ngọn lửa nhấn chìm nhà thờ cổ 163 năm của Glasgow, Scotland

 

nhà thờ cổ 163 năm của Glasgow, Scotland
Hình ảnh nhà thờ cổ bị lửa nhấn chìm được đăng trên Twitter của Tổng giáo phận Glasgow, Scotland.

Theo CNA, hơn 30 nhân viên cứu hỏa đã nỗ lực dập tắt đám cháy kinh hoàng xảy ra tại nhà thờ Công giáo ở Glasgow, Scotland vào rạng sáng ngày 28/7.

Những hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy ngọn lửa dữ dội bùng qua cửa sổ nhà thờ và lan ra đường. Một người đã được cứu trong vụ hỏa hoạn.

Vụ việc xảy ra hai ngày sau khi một linh mục bị người đàn ông cầm chai thủy tinh tấn công khi đang cầu nguyện tại nhà thờ chính tòa ở thủ đô Edinburgh, Scotland.

Theo trang điện tử của giáo xứ, nhà thờ Thánh Simon là nhà thờ Công giáo 163 năm, lâu đời thứ ba ở Glasgow. Ngôi nhà thờ được khánh thành năm 1858 bởi một cha người Ireland.

Người phát ngôn của Cơ quan Cứu hỏa và Cứu hộ Scotland cho biết nguyên nhân của vụ cháy đang được điều tra làm rõ.

Đọc thêmMột linh mục bị tấn công bằng chai thủy tinh khi đang cầu nguyện tại nhà thờ chính tòa ở Scotland

“Giấc mơ ngàn năm” của giáo dân mong có nhà thờ trở thành sự thật

 

Nhà thờ ở Naandi
Ngôi nhà thờ mơ ước bằng gạch khang trang dần được hoàn thiện. Ảnh: Agenzia Fides

Cha Christopher Hartley Sartorius, một linh mục truyền giáo tại Naandi, đã viết cho Fides về quá trình giáo dân xây cất ngôi nhà thờ mơ ước.

Cha cho biết, khi ngài mới đến Nam Sudan, khu truyền giáo Naandi nơi ngài sinh sống (gần biên giới giữa Nam Sundan với Cộng hòa Dân chủ Congo và Uganda), chỉ có một ngôi nhà thờ gạch duy nhất đã hoàn toàn đổ nát bởi các nhóm khủng bố phá hoại. Mọi thứ chỉ được dựng nên bằng cỏ và cành cây.

Giáo dân nơi đây đã ao ước: “Thưa cha, chúng con muốn có một ngôi nhà thờ bằng gạch, không có nhà thờ, chúng con chỉ như loài vật”.

Kể từ đó, các cộng đoàn khác nhau đã cùng tự tay làm nên những viên gạch cũng như hiến đất để xây dựng nhà thờ. Năm 2019, gạch kề gạch, ước mơ ngàn năm của những giáo dân đau khổ mang trong mình đức tin đã trở thành sự thật.

Hai nhà thờ Andari và Baragu ở Naandi, gần như đã hoàn thành và có sức chứa gần 700 tín hữu. Mặc dù cửa sổ chưa lắp xong, nhà thờ còn trống trơn vì thiếu băng ghế, giáo dân nơi đây vẫn không khỏi xúc động khi bước và ngôi nhà thờ họ hằng mong ước.

Cha Christopher kết luận: “Những tín hữu nơi những ngôi làng này đã dành cả đời để chờ mong một điều duy nhất là ngôi nhà thờ. Họ không màng về những căn lều tạm bợ mình sống, về mưa gió hay phải đi hàng dặm để đến nơi. Họ chỉ mong mỏi nơi thờ phượng Chúa”.

Khánh Ly – WTGPHN