Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 14-1-2017 dành cho 85 tham dự viên quốc tế ”cuộc thảo luận bàn tròn” do Ngân Quỹ hoàn cầu (Globl Foundation) tổ chức tại Roma trong hai ngày 13 và 14-1 vừa qua. Trong số các tham dự viên cũng có ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh.
VATICAN. ĐTC Phanxicô mạnh mẽ tố giác chế độ kinh tế gạt bỏ con người vì họ không còn hữu ích theo các tiêu chuẩn lợi nhuận của các xí nghiệp.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 14-1-2017 dành cho 85 tham dự viên quốc tế ”cuộc thảo luận bàn tròn” do Ngân Quỹ hoàn cầu (Globl Foundation) tổ chức tại Roma trong hai ngày 13 và 14-1 vừa qua. Trong số các tham dự viên cũng có ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, sau khi đề cao khẩu hiệu của Ngân Quỹ Hoàn cầu là ”Cùng nhau chúng ta dấn thân cho công ích của hoàn cầu”, ĐTC khẳng định rằng: ”Thật là điều không thể chấp nhận được, vì vô nhân đạo, một chế độ kinh tế thế giới gạt bỏ người nam, người nữ và trẻ em, vì những người này dường như không còn hữu ích theo các tiêu chuẩn lợi nhận của các xí nghiệp và các tổ chức khác. Chính sự gạt bỏ con người như thế là một sự thoái hóa và làm cho bất kỳ chế độ chính trị và kinh tế nào trở nên vô nhân đạo: những người gây ra hoặc cho phép sự gạt bỏ tha nhân - những người tị nạn, các trẻ em bị lạm dụng hoặc bị biến thành nô lệ, những người nghèo chết trên đường vì trời lạnh - thì chính những kẻ ấy trở thành như những chiếc máy vô hồn, họ ngầm chấp nhận nguyên tắc theo đó chính họ, sớm muộn gì cũng sẽ bị gạt bỏ, khi họ không còn hữu ích cho một xã hội đặt thần tiền bạc ở trung tâm”.
ĐTC Phanxicô nhắc lại lập trường của thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng đã từng cảnh giác chống lại nguy cơ lan tràn khắp nơi ý thức hệ duy tư bản, không để ý gì đến hiện tượng gạt con người ra ngoài lề, bóc lột, tha hóa con người, làm ngơ không biết đến bao nhiêu người còn sống trong tình trạng lầm than về vật chất và tinh thần..
Trong bối cảnh đó, ĐTC cũng đề cao bao nhiêu nỗ lực của các cá nhân và các tổ chức tìm cách chữa lành những tai ương do sự hoàn cầu hóa vô trách nhiệm gây ra. Thánh Têrêsa Calcutta là biểu tượng những cố gắng như thế. Mẹ cúi mình trên những người kiệt lực, bị bỏ mặc cho chết trên vỉa hè, nhìn nhận nơi họ phẩm giá Chúa ban... Mẹ đã lên tiếng nói với những kẻ cường quyền trên trái đất để họ nhìn nhận các tội ác nghèo đói do họ gây ra.
ĐTC nhận xét rằng ”đó là thái độ đầu tiên có thể đưa tới sự hoàn cầu hóa tình liên đới và sự sộng tác. Trước tiên, mỗi người đừng dửng dưng đối với những vết thương của người nghèo, nhưng học cách cảm thông với những người đang chịu đau khổ vì bách hại, cô đơn, cưỡng bách di tản hoặc vì gia đình bị phân rẽ, cảm thông với những người không được săn sóc sức khỏe, những người chịu đói, lạnh hoặc nóng”.
Ngân Quỹ hoàn cầu (The Global Foundation) được khởi xướng năm 1998 ở Australia, và lan rộng trên thế giới, trẻ thành một diễn đàn đặc biệt trong đó những người thiện chí và có phương thế họp nhau, trao đổi và giúp đáp ứng những thách đố lớn trên thế giới ngày nay, cổ võ một nền kinh tế thịnh vượng chung.. (SD 14-1-2017)
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: Radio Vatican