Nạn khí hậu thay đổi và cuộc sống của dân nghèo

** Trong các ngày hội họp ĐHY Gracias đã nhắc lại rằng mỗi một người đều có một vai trò trong việc đối phó với sự thay đổi khí hậu. Vì đây là một vấn đề toàn cầu có các hậu quả nghiêm trọng trên môi sinh, xã hội, kinh tế, chính trị và là một trong các thách đố chính đối với nhân loại.

Từ nhiều năm qua nạn khí hậu thay đổi đã gây ra rất nhiều tai ương thiên nhiên trên toàn thế giới. Các nước kỹ nghệ giầu miền bắc bán cầu cũng như các nước nghèo miền nam bán cầu đều phải đối phó với nạn mưa lũ gây lụt lội, hay hạn hán, mất mùa và nhiều tai ương khác. Xem ra thiên nhiên nổi loạn chống lại con người đã tham lam khai thác và tàn phá nó quá ác độc đến độ nó không còn chịu đựng được nữa. Và khi thiên nhiên nổi loạn, thì không có kỹ thuật nào, dù tân tiến tới mấy đi nữa, có thể ngăn chặn được sức tàn phá hủy hoại của nó.
Bao nhiêu cuộc họp thượng đỉnh về khí hậu đã được triệu tập, nhưng các thoả hiệp đã không được mọi nước ký nhận, hay có ký nhận nhưng lại không phê chuẩn, và nhất là không thi hành. Và đó là trường hợp của các cường quốc kinh tế: cố cựu như Hoa Kỳ và đang lên như Trung Quốc, Brasil và Ấn Độ.
Tuy nhiên, dân chúng các nước nghèo ít thải thán khí vào không trung và ít gây ô nhiễm môi sinh lại phải gánh chịu các hậu quả trầm trọng của khí hậu thay đổi. Trong hội nghị về khí hậu thay đổi do Liên HĐGM Á châu tổ nhức tại Mumbai những ngày vừa qua ĐHY Oswald Gracias, TGM Mumbai, Chủ tịch Liên HĐGM Á châu, cho biết phụ nữ, người nghèo và các người dễ bị thương tổn nhất là các nạn nhân đầu tiên của nạn khí hậu thay đổi. Chúng ta là các người quản lý, chứ không phải là chủ nhân ông cuả thụ tạo. Vì thế chúng ta có bổn phận luân lý che chở và duy trì thụ tạo”.
Tham dự đại hội  có hơn 40 đại diện và các chuyên viên đến từ Bangladesh, Nepal, Ấn Độ, đại diện cho những người làm việc trong các bàn giấy, tổ chức, văn phòng thư ký và các uỷ ban nghiên cứu về hiện tượng khí hậu thay đổi. Mục đích của hội nghị là góp phần suy tư và hiểu biết hiện tượng khí hậu thay đổi và các hậu quả của nó đối với các nhóm xã hội đễ bị tổn thương nhất. Ngoài ra nó cũng là dịp để trao đổi, thảo luận, chia sẻ các chương trình hiện hữu và các thực hành tốt cần áp dụng để đương đầu với nạn khí hậu thay đổi một cách tốt hơn, bằng cách khám phá ra các khả thể phát triển một quan niệm mới, hầu đưa ra một chương trình hành động chung cho vùng miền.
** Trong các ngày hội họp ĐHY Gracias đã nhắc lại rằng mỗi một người đều có một vai trò trong việc đối phó với sự thay đổi khí hậu. Vì đây là một vấn đề toàn cầu có các hậu quả nghiêm trọng trên môi sinh, xã hội, kinh tế, chính trị và là một trong các thách đố chính đối với nhân loại. ĐHY nhấn mạnh rằng thế giới phát triển tân tiến có trách nhiệm chính đối với việc thải thán khí vào không trung tạo ra hiện tượng lồng kính hâm nóng trái đất. Cần phải có một viễn tượng xã hội chú ý tới các quyền lợi nền tảng của dân nghèo và những người không có gia tài sản nghiệp”.
ĐC Allywn D’ Silva, Giám Mục phụ tá Bombay, thư ký điều hành văn phòng phát triển của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, cho biết các nước đang trên đường phát triển và các nền kinh tế đang lên bao gồm cả các quốc gia vùng Nam Á, vì các đòi hòi phát triển cũng tiếp tục góp phần thải thán khí vào không trung tạo ra hiện tượng hâm nóng trái đất và khí hậu thay đổi.
Theo ông Deepika Singh, phối hợp viên văn phòng thay đổi khí hậu của Liên HĐGM Á châu, mọi quốc gia cần cấp thiết hiểu rằng khí hậu là một thiện ích chung, thuộc tất cả mọi người và được dành để cho tất cả mọi người. Vì thế toàn nhân loại được mời gọi hiểu biết sự cần thiết thay đổi kiểu sống trong việc sản xuất và tiêu thụ  để chống lại nạn trái đất bị hâm nóng hay ít nhất các lý do nhân loại khiến cho nó trầm trọng hơn. ĐC Jacob Mar Aerath Barnabas, Giám Mục giáo phận Saint John  Chrysostom Gurgaon của các kitô hữu Siro Malankaresi, kiêm chủ tịch hội đồng đặc trách nữ giới của HĐGM Ấn Độ khẳng định rằng: “Chính vì thế nhiệm vụ chính của Giáo Hội tại Á châu là nhắc nhở cho mọi tín hữu biết hoán cải triệt để, từ bỏ tiêu thụ quá đáng, và lựa chọn một kiểu sống có thể chịu đựng được, và hoán cải cho một nền văn hóa canh tân tôn trọng thụ tạo, đơn sơ và thanh đạm, hy vọng và tươi vui. Được hướng dẫn bởi giáo huấn xã hội của Hội Thánh, các cộng đoàn công giáo phải thăng tiến các chiến thuật và chương trình như các kỹ thuật xanh, sản xuất nông nghiệp sinh học có thể thực hiện được, tiêu thụ có trách nhiệm, tái sử dụng các vật liệu, và như thế góp phần vào việc thăng tiến công lý giữa các thế hệ.
Bà Wendy Louis, thư ký điều hành văn phòng đặc trách về giáo dân và gia đình của Liên HĐGM Á châu, nhấn mạnh trên ý thức liên đới và một định hướng nền tảng đối với thiện ích chung, có thể đạt được qua việc giáo dục liên lỉ suy tư hành động. Chính vì thế các Giám Mục Á châu sẽ tiếp tục chú ý tới lãnh vực này qua việc suy tư và hành động.
** Sự kiện liên tục bị lụt lội và hạn hán đã khiến cho các dân tộc giảm bớt khả năng sản xuất của họ trong lãnh vực nông nghiệp, và các dân bản địa bị bó buộc phải chạy  trốn, tạo ra một làn sóng di cư ít được chú ý nhưng có các âm hưởng rộng lớn tại Á châu và Đại dương châu. ĐHY John Ribat, chủ tịch Liên HĐGM Đại dương châu, đã cho biết như trên trong hội nghị lần thừ 11 các Giám Mục Á châu nhóm tại Negombo bên Sri Lanka. Liên HĐGM Đai dương châu bao gồm các nước Australia, Niu Dilen, Papua Tân Guinea, Quần đảo Salomon, Fiji và 17 tiểu quốc của vùng Thái Bình Dương. Tổng cộng bao gồm 84 giáo phận  của 21 quốc gia, có đa số dân theo Kitô giáo, với các đặc tính văn hóa, kinh tế, và tôn giáo khác nhau. ĐHY Ribat khẳng định: cả khi chúng tôi không phải là những người có trách nhiệm đối với các tai uơng thiên nhiên này vì là những nước ít gây ô nhiễm môi sinh nhất, nhưng chúng tôi vẫn phải gánh chịu các hậu quả của nạn khí hậu thay đổi vì ô nhiễm môi sinh.
Trong số các hậu quả tại hại của tệ nạn này có sự kiện mực nước đại dường dâng cao, đại dương bị axít, mưa lũ bất thường, tất cả đều gây thiệt hại cho các cộng đoàn dân chài và nông dân toàn vùng. Trong vài trường hợp có nhiều vùng và toàn quốc gia bị đe dọa vì mực nước biển dâng cao. Chẳng hạn như các đảo Carteret, các đảo Fead, Kiribati, các đảo Marshall, Mortlock, các đảo Nukumanu, Tokelau và Tuvalu. Cuộc sống và các điều kiện xã hội của các dân tộc bản địa Đại dương châu gây lo âu rất lớn. Tuy nhiên, Giáo Hội tại đây rất sinh động. Nói chung đây là một Giáo Hội trẻ trung với các cộng đoàn năng nổ trên bình diện mục vụ và xã hội. Dấn thân chính là việc đào tạo giáo dân. Chúng tôi phải cám ơn các Giáo Hội Á châu đã gửi các thừa sai tới trợ giúp chúng tôi nhất là các thừa sai đến từ Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Đại Dương Châu mới kết thúc việc mừng kỷ niệm 50 năm thành lập vài giáo phận tại Papua Tân Guinea, và các quần đảo Salomon. Giáo Hội có được sức tăng trưởng như thế là nhờ sự nâng đỡ huynh đệ của các Giáo Hội Á châu.
Tại Banladesh hiện tượng khí hậu thay đổi khiến cho mưa bất thường, hay lũ lụt, khiến cho nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, mùa đông ngắn hơn, nhiệt độ trung bình gia tăng, đất đai không mầu mỡ, và độ muối gia tăng. Chị Angelina Diana Podder, giám đốc Caritas Bangladesh, đã cho biết như trên. Bangladesh nằm trên đồng bằng sông Gange, đất đai không cao hơn mặt biển bao nhiêu, vì thế các thay đổi khí hậu đe dọa nặng nề các tỉnh và quận dọc ven biển. Nếu mực nước biển chỉ dâng cao một mét, thì 30% diện tích Bangladesh sẽ bị ngập thường xuyên khiến cho 30 triệu người phải di cư tỵ nạn.
** Các thống kê của các cơ quan quốc tế cho biết  nhiệt độ gia tăng liên tục tại Bangladesh. Mùa thu năm ngoái 2016 nhiệt độ trung bình là 15 độ C, tức cao hơn năm trước đó 5 độ. Cộng thêm sự kiện mưa bất thường gây lũ lụt  và mùa đông rút ngắn lại khiến cho nông nghiệp là trục chính của nền kinh tế quốc gia bị thiệt hại nặng. Mực nước biển dâng cao là một đe dọa nghiêm trọng đối với việc sản xuất nông nghiệp của miền nam Bangladesh, trong khi độ muối của đất có thể khiến cho việc sản xuất gạo giảm 10% và lúa mì giảm 30 % nội trong năm 2050. Nước mưa hàng năm cũng đã giảm và các trận mưa sớm trong mùa đông gây thiệt hại cho việc trồng tiả. Trong mùa hè lại không có mưa như trước nữa, và nhiệt độ đã lên cao hơn 2 độ C, nhất là tại miền bắc. Các trận bão cũng xảy ra thường xuyên và ngày càng mạnh hơn. Người dân sống trong các vùng này mất hết các phương tiện sinh sống.
Trong các năm qua số nông dân không còn đất trồng tiả, bị gạt bỏ ngoài lề xã hội  và không có phương tiện sinh sống gia tăng. Nam giới tìm di cư về các thành phố, và kiếm việc làm trong lãnh vực kỹ nghệ hay xưởng may mặc và mọi việc làm có đồng lương thấp. Trong khi nữ giới ở lại đồng quê với người già và trẻ em và giơ vai đỡ tất cả gánh nặng của gia đình. Các thay đổi khí hậu đặc biệt gây thiệt hại cho dân chúng sống dọc vùng duyên hải, nơi có nhiều tệ nạn như phá rừng, phát triển kỹ nghệ không kiểm soát, ô nhiễm nguồn nước vv. Các trận lũ lụt thường xuyên gây khốn đốn cho dân chúng nhất là trong vùng Sundarbans. Để đối phó với tình hình này Caritas Bangladesh đã phát động chiến dịch gây ý thức trên bình diện cộng đoàn, các nhóm xã hội, tổ chức các diễn đàn và các khóa đào tạo chuyên viên trong lãnh vực nông nghiệp, hầu giúp dân chúng đương đương đầu với các hậu qủa của khí hậu thay đổi. Qua các hiểu biết và các kỹ thuật các chương trình này nhắm đối phó với các khó khăn, đồng thời duy trì khả năng sản xuất trong lãnh vực nông nghiệp sinh học, sản xuất rau trái, chăn nuôi gia súc và đánh cá. Một trong các chương trình quan trọng là thăng tiến việc dự trữ nước mưa trong các gia đình và trên  bình diện cộng đoàn và làng xóm. Ngoài ra Caritas Bangladesh cũng đã phát động chiến dịch đào tạo và thông tin trong 8 giáo phận toàn nước liên quan tới thay đổi khí hậu và các ảnh hưởng của nó. Mục đích là cung cấp các tài liệu thông tin này cho các trường học, đại học, giúp người trẻ hiểu biết nhiều hơn. Vì họ chiếm đa số dân và sẽ là những thế hệ lãnh đạo đất nước  trong tương lai.
 
Bên Phi châu tại Malawi cha Piergiorgio Gamba, thừa sai dòng Monfortano, cũng cho biết khí hậu thay dổi khiến cho mực nước hồ Malawi xuống rất thấp. Nước sông Shire không đủ khiến cho các máy phát điện chạy, gây ra cảnh thiếu điện trong 20 giờ đồng hồ liên tiếp. Nạn hạn hán mất mùa khiến cho giá ngũ cốc gia tăng không kiểm soát được vì có nạn gian tham hối lộ và đầu cơ tích trữ.
 
Bên Tanzania ĐC Tarcisius Ngalalekumtwa, GM giaó phận Iringa, kiêm chủ tịch HDGM nước này, đã mời gọi tín hữu và nhân dân toàn nưóc cầu nguyện xin Chúa trợ giúp đất nước thoát cảnh hạn hán mất mùa. Giờ đây là mùa mưa và gieo giống, nhưng khí hậu dã thay đổi nên không có mưa nữa cho sinh hoạt nông nghiệp. Trong khi 98 % dân chúng sống vê nghề nông và tuỳ thuộc thời tiết. Giới lãnh đạo Giáo Hội Luther cũng như Hồi giáo cũng kêu gọi tín hữu cầu nguyện cho có mưa. Tổng thống John Magufuli thì lấp liếm tin hàng ngàn thú vật chết vì đói khát, và ông cho rằng một thương gia đã gây nên trinh trạng báo động ấy để gây áp lực buộc chính quyền đừng đánh thuế 25 ngàn tấn bắp ông mua từ nước ngoài. Tổng thống quả quyết rằng Tanzania có đủ các dự trữ lương thực để đối phó với tình hình sản xuất nông nghiệp giảm sút.
(Oss. Roma 3-2-2017)
Linh Tiến Khải
Nguồn: Radio Vatican