Can đảm, cầu nguyện và khiêm nhường, là ba đặc tính của vị sứ giả Tin Mừng tuyệt vời. Nhờ đó, người sứ giả có thể giúp gầy dựng và phát triển dân Chúa trong thế giới và góp phần vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội.
Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta, lễ kính thánh Cirillo và Metodio.
Can đảm: Lời Chúa không chỉ là điều gì đó tốt đẹp
Lời của Thiên Chúa không thể được loan báo theo kiểu đề xuất như: “nhưng, nếu bạn thích thì… nhưng, bạn có thể sống thế này…” Những đề xuất như thế tựa như một ý kiến, hoặc điều gì đó tốt, hoặc triết lý gì đó, hoặc điều nào đó về luân lý. Không. Lời Chúa có gì đó khác hơn. Lời Chúa được loan báo cách thẳng thắn cùng với sức mạnh của Lời ấy, như chính thánh Phaolô loan báo. Thánh nhân đã để cho Lời Chúa thấm nhập vào mình đến tận xương tủy. Lời Chúa phải được công bố với sự mạnh dạn và can đảm như thánh nhân đã làm.
Có những người không có đủ dũng cảm để công bố Lời Chúa, bởi lẽ họ không có đủ sự dũng cảm thiêng liêng, vì họ chưa có sự can đảm trong tâm hồn, vì họ chưa có lòng dũng cảm xuất phát từ tình yêu mến của Thầy Giêsu. Không. Không phải là chỉ nói về điều gì đó thú vị hấp dẫn, điều gì đó tốt lành, điều gì đó cần phải làm tốt, không chỉ thế, mà còn cần nói về Lời Chúa. Và Lời Chúa chính là năng lực, là lời lẽ để tạo thành dân Chúa, để gầy dựng dân Chúa. Lời Chúa được loan báo cách chân thực thẳng thắn cùng với lòng can đảm, như thế dân Chúa được thành hình.
Cầu nguyện: Loan báo Lời Chúa cần đi đôi với cầu nguyện
Lời Chúa phải được công bố cùng với đời cầu nguyện, thành tâm cầu nguyện. Luôn luôn như thế. Nếu không cầu nguyện, thì bạn chỉ có thể tạo nên một hội nghị tốt đẹp, một nền giáo dục tốt đẹp. Điều đó tốt, tốt! Nhưng như thế chưa phải là Lời Chúa. Hãy cầu nguyện, vì Chúa đã gieo vãi hạt giống là Lời, vì Chúa đã tưới nước để hạt giống có thể nảy mầm và Lời ấy trổ sinh. Lời Chúa phải được công bố cùng với đời sống cầu nguyện. Đó là lời cầu nguyện của người loan báo Lời Chúa.
Khiêm nhường: Nhà truyền giáo như chiên con giữa bầy sói
Một nhà truyền giáo đích thực, là người biết rằng mình yếu đuối, và người ấy cũng biết rằng mình không thể tự bảo vệ cho bản thân. Khi sai các môn đệ đi loan báo Lời Chúa, Thầy Giêsu đã nói: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.” Các môn đệ có thể thưa lại: “Nhưng, lạy Thầy, lỡ chúng ăn thịt con thì sao?” Có lẽ Thầy Giêsu nói tiếp: “Anh em cứ đi đi! Đó là con đường.”
Tôi nhớ rằng, có một vị thánh đã suy gẫm rất thâm sâu câu Lời Chúa này, và vị thánh ấy nói: “Nhưng nếu con không đi như chiên con, mà lại đi như con sói giữa bầy sói, thì Chúa lại không bảo vệ con, và như thế chỉ mình con chống đỡ sao nổi”. Khi nhà truyền giáo quá tự tin vào sức riêng của mình, vào sự thông minh của mình, khi những người có trách nhiệm loan báo Lời Chúa mà lại loan báo theo kiểu khôn khéo, thì có vẻ tốt đấy, nhưng kết quả là tồi tệ. Có những thứ trái với Lời Chúa, ví như dựa vào quyền lực hoặc dựa vào tự hào kiêu hãnh…v.v
Lạy Chúa, thánh Cirillo và Metodio đã gieo vãi Lời Chúa và giúp phát triển Giáo Hội giữa lòng thế giới. Các ngài là những con người dũng cảm với đời sống cầu nguyện và lòng khiêm tốn. Nhờ lời chuyển cầu của hai thánh, xin cho chúng con chúng biết loan báo Lời Chúa theo cung cách mà các ngài đã làm.
Tứ Quyết SJ
Nguồn Radio Vatican