Trong buổi tiếp kiến chung 8000 tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thứ tư mùng 8 tháng hai vừa qua ĐTC Phanxicô đã mời gọi mọi người cầu nguyện cho các tín hữu hồi thiểu số thuộc chủng tộc Rohingya bên Myanmar.
Ngài nói: “Họ bị đánh đuổi khỏi Myanmar và lang thang đây đó vì không có ai muốn tiếp nhận họ. Họ là người dân tốt lành, yêu chuộng hoà bình, họ là các anh chị em tốt lành. Từ nhiều năm nay họ phải đau khổ: bị tra tấn, bị giết chết, chỉ đơn sơ vì họ tiếp tục sống truyền thống và niềm tin hồi giáo của họ.”
Rohingya là một bộ lạc thiểu số hồi gồm 1,3 triệu người sống tại miền bắc bang Rakhine, nhưng từ trước tới nay bị chính quyền Myanamar coi là những người Bangladesh di cư bất hợp pháp. Mặc dù từ năm ngoái tới nay chính quyền do đảng đối lập của bà thủ tướng Aung San Suu Kyi cầm đầu đã triệu tập hội nghị hoà giải với các sắc tộc thiểu số hồi tháng 9 năm 2016, nhưng xem ra hội nghị đã không có ảnh hưởng gì trên cuộc sống của các nhóm chủng tộc thiếu số này, trong đó có người Rohingya. Hồi năm 2012 các đàn áp tàn bạo của chính quyền quân đội đã khiến cho khoảng 100.000 người Rohingya phải bỏ làng mạc, nhà cửa, ruộng vườn vào sống trong các trại tỵ nạn, không có quyền được học hành, giáo dục, không được săn sóc sức khỏe và không có quyền công dân. Cuộc leo thang bạo lực xảy ra từ ngày mùng 9 tháng 10 năm ngoái, khi vài trăm người Rohingya vũ trang dao rựa, cung tên và gậy gộc tấn công ba đồn an ninh. Chính quyền cho biết đã có 100 người thiệt mạng. Vào hạ tuần tháng giêng quân đội đã dùng trực thăng chiến đấu chống lại nhóm nổi loạn. Tình hình căng thẳng vì các chiến binh thuộc nhóm vũ trang hồi “Harakah al-Yaqin Hay” củng cố sự hiện diện của họ trong các làng của người Rohingya, chiêu mộ tín đồ gia nhập phong trào du kích, và đụng độ với quân đội. Trong số các chiến binh của nhóm này cũng có người đến từ A rập Sauđi. Tuy nhiên sự giận dữ của dân chúng bắt nguồn từ cảnh sống bất công, nghèo túng bần cùng và đàn áp họ phải gánh chịu từ bao thập niên qua. Trong bang Rakhine có tới 3 triệu dân, nhưng có tới 78% không có điện và các cơ cấu hạ tầng cũng như trường học. Các cuộc đụng độ đã khiến cho hàng trăm người bị giết, 1.000 ngôi nhà của người Rohingya bị quân đội chính phủ đốt phá bình địa.
** Một bản tường trình mới đây của Văn phòng bảo vệ nhân quyền của tổ chức Liên Hiệp Quốc cho biết đã thu thập chứng từ của 220 nhân chứng tố cáo các vụ tàn sát đàn bà, người già và trẻ em, cũng như các vụ hãm hiếp phụ nữ và bạo lực do quân đội Myanmar thực hiện có hệ thống trên bình diện rộng rãi. Trong các ngày từ mùng 9 đến 20 tháng giêng bà Yanghee Lee người Nam Hàn, tường trình viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền tại Myanmar, đã viếng thăm nước này và báo động tình hình thê thảm chủng tộc Rohingya đang phải sống. Từ nhiều thập niên qua họ đã bị chính quyền kỳ thị và bách hại và họ cũng là nạn nhân của các nhóm phật giáo ái quốc yêu cầu trục xuất người Rohingya khỏi Myanmar. Đã có ít nhất 100.000 người chạy trốn sang các nước láng giềng, và chỉ nội trong tuần đầu tháng giêng 2017 đã có ít nhất 22 ngàn người di cư lánh nạn, sau khi quân đội chính phủ bắt đầu cuộc tấn công trong vùng bắc bang Rakhine để truy lùng các người nổi loạn. Theo nhiều tổ chức phi chính quyền, đây là tội phạm chống lại nhân loại. Trong khi đó có 150.000 người Rohingya từ lâu phải sống trong các trại tỵ nạn. Linh Mục Stephen Chit Thein, thuộc giáo phận Pyay, bao gồm cả bang Rakhine, sinh quán tại vùng Settwe, nơi có người Rohingya sinh sống, cho biết rất khó truyền thông với họ, vì họ không nói tiếng Birma. Chúng tôi rất lo âu cho số phận của họ vì trong vùng này không có tín hữu công giáo và không có các linh mục. Chỉ có tín hữu phật giáo. Chúng tôi biết tình hình của họ rất ngặt nghèo và tỏ tình liên đới với họ, nhưng thật khó mà trợ giúp họ.
Linh Mục Nereus Tun Min, giám đốc Caritas giáo phận Pyay, cho biết “Giáo Hội công giáo có các cơ cấu và nhiều tổ chức như tổ chức Caritas, nhưng không thể hoạt động, vì chính quyền không cho phép chúng tôi đến các vùng này hay đến các trại tỵ nạn. Không có tổ chức tôn giáo nào được phép trợ giúp họ, chỉ có vài tổ chức phi chính quyền quốc tế có thể đem đồ cứu trợ nhân đạo tới cho họ. Và rất buồn là chúng tôi chỉ là khán giả của cuộc khủng hoảng nhân đạo to lớn này. Chúng tôi biết là các anh chị em Rohingya rất đau khổ. Chúng tôi biết các vấn đề của họ, bắt đầu từ sự kiện chính quyền không thừa nhận họ, và đây là nguyên do gây ra mọi vấn đề khác với các hậu quả rất tai hại cho các anh chị em Rohingya”. Cha Tun Min giám đốc Caritas kết luận: “Khi nghĩ đến sự hiện diện của bà đặc sứ về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, điều có thể yêu cầu đó là tân chính quyền cộng tác để chặn đứng cảnh bạo lực gia tăng và trợ giúp để giải quyết tình trạng không thể chịu đựng nổi nữa, và đề ra các biện pháp làm sao để các quyền con người và nhân phẩm của mọi người được tôn trọng”.
** Trong quá khứ các Giám Mục Myanmar cũng đã nhiều lần lên tiếng bênh vực quyền lợi của chủng tộc Rohingya. Khi nói đến giai đoạn mới của dân chủ đã được khai mào, và ám chỉ các hành động bạo lực của các nhóm phật giáo cuồng tín đối với các tín hữu hồi Rohingya, cũng như sự thù nghịch của chính quyền đối vơi họ, ĐHY Charles Bo, TGM Yangoon khẳng định: “Gieo vãi thù hận là khước từ luật pháp. Trong tình trạng này và các tình trạng khó khăn và xung đột xã hội khác, tín hữu công giáo Birmani có bổn phận đêm lòng thương xót đến và loan báo lòng thương xót cho mọi người”.
Hồi cuối năm ngoái chính ĐHY đã đề nghị mọi tôn giáo và toàn dân Myanmar làm cho năm 2017 trở thành Năm của Hòa Bình. Trong lời kêu gọi ĐHY nói: “Đã đến lúc chúng ta, mọi tôn giáo và mọi nhóm chủng tộc phải hiệp nhất với nhau để khiến cho năm 2017 trở thành Năm của Hoà Bình. Hoà bình là điều có thể thực hiện được qua công lý. Hoà bình có thể được qua việc thương thuyết. Chúng tôi kêu mời mọi tôn giáo lấy ngày mùng một tháng giêng năm 2017 làm ngày ăn chay cầu nguyện cho hoà bình. Chúng ta hãy làm sao để mọi tín hữu đông đảo lui tới các đan viện, nhà thờ, chùa chiền và đền thờ hồi giáo của chúng ta đem theo các biểu ngữ và cờ với câu “Chấm dứt mọi cuộc chiến” Chúng ta hãy tìm cách sống ngày này trong cầu nguyện và chay tịnh cho hoà bình, để thay đổi con tim của tất cả mọi người. Cần cấp thiết chấm dứt các cuộc chiến mà Myanmar đang phải sống, và khiến cho năm 2017 là năm của hòa bình. Hỡi các anh chị em nước Myanmar, chúng ta sẽ chào nhau “chúc mừng năm mới hạnh phúc”. Hằng năm chúng ta đều chào nhau với sứ điệp này. Nhưng thật ra không có hạnh phúc trong nhiều phần của đất nước này. Chiến tranh tiếp diễn tại nhiều vùng. Hơn nữa đối với hơn 200.000 người tỵ nạn trong các trại, đây sẽ không phải là một năm mới hạnh phúc. Chiến tranh đã bắt đầu cách đây 60 năm vẫn còn tiếp diễn dữ dội… Các nước láng giềng của chúng ta như Campuchia và Việt Nam đang trên đường tiến tới hoà bình và thịnh vượng. Trong khi tại Myanmar chúng ta còn bị lôi cuốn vào trong một trận chiến không thắng được. Dân chúng hấp hối và cưỡng bức di tản là các hậu quả duy nhất của bạo lực. Đa số dân chúng thinh lặng đã chỉ là khán giả của một cuộc chiến kinh niên tại Myanmar. Giờ đây chúng ta tất cả hãy cùng nhau hiệp nhất, cho một nền hoà bình đích thực”.
** Trong sứ điệp Giáng Sinh 2016 ĐHY Bo nhắc lại biến cố Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa giáng sinh làm người để ở giữa chúng ta và đem bình an đến cho nhân loại. Lễ Giáng Sinh là lễ của bình an. Sứ điệp các thiên thần loan báo là sứ điệp bình an: bình an cho mọi người thiện tâm, bình an cho từng người trong chúng ta, bình an trong gia đình, bình an cho quốc gia. Nhưng ngày nay bình an vuột thoát vì cái gian ác của một chủ trương kỳ thị đâm rễ sâu trong thế giới. Chúng ta sẽ không bao giờ trông thấy bình an trong bang Kachin và trong bang Rakhine, cho tới khi nào chúng ta không để cho tình yêu của Thiên Chúa thắng thế trong cuộc sống. Đối với con người chủ trương kỳ thị chủng tộc là một vấn đề tinh thần. Bằng mọi giá chúng ta phải tránh sự chia rẽ đó đã khiến cho nhân loại đau khổ biết bao trong thế kỷ trước. Chúng ta tại Myanmar là một quốc gia bé nhỏ, chúng ta thấm đẫm nước mắt của chiến tranh và thù hận. Chỉ ttong 60 năm lịch sử chúng ta đã sống 22 cuộc chiến, và giờ đây vẫn còn có ba chiến cuộc tiếp tục. Trong 60 năm qua chúng ta đã chôn cất hàng ngàn mạng sống trong các chiến cuộc này của thù hận làm cho hàng triệu người phải di tản và huỷ hoại giới trẻ của chúng ta. Ngay trong lúc này đây hàng ngàn người di tản không có nhà như Chúa Giêsu. Họ sống trong các trại tỵ nạn ở Rakhine, Ka chin và Shan, hay trong các trại tỵ nạn ở biên giới. Lịch sử Giáng Sinh lại tái diễn. Một gia đình nghèo không tìm ra nơi trú ẩn, và các trẻ em phải sinh ra trong các túp lều. Giáo Hội đã luôn luôn nhấn mạnh rằng: nếu bạn muốn hoà bình, hãy hoạt động cho công lý. Công lý phải chảy ra như một dòng sông để đến bờ hòa bình. Hoà bình đích thật là thừa nhận rằng tất cả mọi công dân của quốc gia này là anh chị em với nhau. Chúng ta là 135 bộ lạc phải bình đẳng với nhau. Quốc gia này có đủ tài nguyên cho tất cả mọi công dân. ĐHY cầu chúc cho Myanmar được sống trong bình an. Shalom bình an thì hơn vắng bóng xung đột rất nhiều! Shalom là hài hoà, toàn vẹn, là ơn cứu rỗi và hạnh phúc cho toàn vũ trụ. Hoạt động cho hoà bình là một bổn phận luân lý. Chúng ta cầu mong rằng chính quyền, quân đội, các nhóm vũ trang chấn dứt chiến tranh. Hoà bình sẽ đem lại thịnh vượng. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hoà bình tại Myanmar. Hãy để cho Chúa Thánh Thần linh hứng tất cả mọi vị lãnh đạo của chúng ta để tái lập hoà bình và hy vọng cho quốc gia”.
** Tuy nhiên, tình hình chiến sự và an ninh vẫn không khả quan. Đã có hai kitô hữu Kachin bị mất tích từ lễ Giáng Sinh. Đó là ông Damdaw Nawng Lat và Langjaw Gam Seng. Hai ông đã làm việc như là hướng dẫn viên cho các nhà báo trong bang Kachin và đã chỉ cho các nhà báo một nhà thờ công giáo bị quân đội chính phủ bỏ bom phá huỷ. Người ta cho rằng hai ông đã bị quân đội bắt cóc để trả thù. Linh Mục Joseph Yung Wa thuộc giáo phận Myitkyina, thủ phủ bang Kachin cho biết các trận đánh nhau vẫn tiếp diễn khiến cho thường dân rất khổ sở. Tình hình còn rất căng thẳng. Số người tỵ nạn gia tăng, và cuộc sống vô cùng khó khăn. Dân chúng tuyệt vọng. Tại Myitkyina Giáo Hội lo cho hai trại tỵ nạn và trợ giúp hơn 5.000 người. Tổ chức liên đới kitô quốc tế cũng mạnh mẽ tố cáo vụ mất tích của hai tín hữu kitô và các vụ vi phạm nhân quyền từ phía quân đội chính phủ, và yêu cầu nhà nước can thiệp để làm sáng tỏ vấn đề. Trong một thông cáo gửi hãng thông tấn FIDES của Bộ Truyền Giáo tổ chức cho biết nhiều vụ vi phạm quyền con người đã và đang tiếp tục xảy ra trong ba bang Rakhine, Kachin và Shan, là nơi quân đội chính phủ phạm các tội chống lại nhân loại và thi hành chính sách thanh lọc chủng tộc, nhất là đối với nhóm thiểu số hồi Rohingya. Ngày 30 tháng giêng ông U Ko Ni, người hồi, cố vấn của Đảng Liên minh quốc gia và bà Aung San Suu Kyi trong việc tải tổ hiến pháp, đã bị ám sát ngoài phi truờng Rangoon, khi ông vừa đi thăm Indonesia về. Ông là một luật sư nổi tiếng và là một trong các nhân vật quan trọng trong giới hồi giáo. Luật sư U Ko Ni là người mạnh mẽ ủng hộ tư do tôn giáo và hoà hợp liên tôn tại Myanmar và là một tiếng nói hiếm có trong giới chính trị bênh vực quyền của người hồi Rohingya đang bị chính quyền kỳ thị và bách hại. Vụ ám sát ông là một đánh phá viễn tượng hoà bình và dân chủ tại Myanamar, và là một tấn kích trực tiếp chống lại thời kỳ chuyển tiếp dân chủ tại nước này. Nó cũng cho thấy tình hình căng thẳng và bầu khí nguy hiểm và an ninh bấp bênh tại Myanmar hiện nay.
Linh Tiến Khải
Nguồn: Radio Vatican