Hình thành và phát triển

THỜI KỲ ĐẦU TỪ NĂM 1954 - 1958: Di cư, Tạm cư, Định cư.
1. Di cư
Sau hiệp định Genève năm 1954, đất nước Việt Nam được chia làm hai miền, chọn vĩ tuyến 17 làm ranh giới, miền Bắc thuộc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Đảng Cộng Sản lãnh đạo ; miền Nam thuộc Pháp bảo hộ. Lúc đó bà con ngoài Bắc muốn bỏ lại nhà cửa ruộng vườn, người thân ra đi. Nhiều người giáo dân với hành trang là cây Thánh Giá hoặc tượng ảnh Chúa, Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse, chỉ mong giữ được niềm tin và hy vọng cuộc sống dễ chịu hơn. Miền Nam nổi tiếng đất rộng người thưa, kinh tế phát triển, tinh thần ổn định nên bà con ngoài Bắc ồ ạt di cư vào Nam khoảng một triệu người, trong có 800 ngàn người công giáo.                       

TamCu.jpg2. Tạm cư
Bà con được chính quyền Sài Gòn và các tổ chức nhân đạo tiếp nhận tạm cư từ 2 - 7 ngày rồi chuyển đến các nơi như: Lạc An, Hố Nai, Biên Hòa, Củ Chi …vì các vùng được đến định cư làm ăn khó khăn, trồng trọt, chăn nuôi thấy không thuận lợi… nên một số người đã tìm đến vùng đất Sàigòn - Chợ lớn kiếm kế sinh nhai, và kiếm nơi để định cư.
3. Định cư
Năm 1955, tìm kế mưu sinh ông cụ Kiên và con trai lớn là ông Hưng từ Lạc An đến vùng Phú Thọ Hòa, thuộc quận 6 Thành phố Sài Gòn. Ở nhờ nhà ông bà cụ Phiến tại khu Giếng Nước Huê Kỳ (Thăng Long), vì có ý muốn kiếm nơi định cư nên thấy nơi đây có vùng đất của quân đội Nhật bỏ hoang di tích những lều trại, dựng lên bằng bạt (dài khoảng 10m, ngang khoảng 5m), cạnh mỗi lều có một vũng sâu (truông). Khoảng hơn một tuần sau, có cụ Mục Thấm, cụ Dung cũng đến nơi đây kiếm đất sinh sống, một thời gian ngắn sau có thêm cụ Tư Mẫn cũng đến dựng lều ở để ở. Các cụ thấy đất đai trù phú, bỏ hoang nên đã thuê người khai hoang canh tác trồng trọt và giữ đất để bà con Vĩnh Phúc ai vào thì có đất để ở.
DinhCu.jpgThông tin về vùng đất Phú Thọ Hòa màu mỡ, gần đô thành, dễ sinh sống được lan truyền đến bà con đang ở các nơi Lạc An, Hố Nai, Biên Hòa, Củ Chi …
Năm 1956, một số gia đình đang ở Lạc An di chuyển vào vùng Phú Thọ Hòa sinh sống, trong đó có các gia đình như: cụ Tuyển Công, cụ Thứ Ngưỡng, ông Mục Hách, cụ Chỉ Hanh, cụ Bô Trường  ở khu trên. Khu vực  dưới có gia đình: cụ Tự, ông Tổng Mậu, cụ Bô Du, ông cụ Mục Tại, ông Mục Đạc …
Khoảng năm 1958, bà con các nơi ồ ạt kéo về vùng đất Phú Thọ Hòa để định cư.. Đất hoang thì bà con tự khai phá lấy, đất đã được người đến trước khai phá thì bà con mua lại trên tinh thần trả lại công khai phá cho người trước để bà conVĩnh Phúc qui tụ sống với nhau.
Mô tả vùng đất khi mới đến
Tọa lạc tại phường Phú Thọ Hòa quận 6 Thành phố Sài Gòn. Lấy vị trí ngôi nhà nguyện làm trung tâm thì:
* Hướng Đông (Khu Phaolô hiện nay): Trước là vườn trồng hoa Lài của người Hoa canh tác, mé bên trên là lò ve chai của người Hoa và một số gia đình làng Dũng Kim.
* Hướng Tây (Khu Mông Triệu hiện nay): trước đây là bãi rác Đô Thành kéo dài đến đường Ông Ích Khiêm hiện nay.
* Hướng Bắc (Khu Vinh Sơn hiện nay): từ hẻm 506 đổ về nhà nguyện, đất của bà con canh tác, từ hẻm 506 đổ ngược lên mé đường Âu Cơ là khu mả Thông Hiệp của một gia đình người Hoa.
* Hướng Nam (Khu Đa Minh hiện nay): đất nhà nguyện đổ dài giáp cánh đồng lúa đường Ông Ích Khiêm hiện nay tiền thân là đất của ông Xã Nệ (người làng Tiền Lương) nhượng lại cho bà con. 

44.jpg

Sơ đồ phác họa vùng đất khi bà con mới đến

Thời gian này bà con là những người cùng xa quê hương, hơn nữa vì cùng một Đức Tin nên rất đoàn kết, đùm bọc yêu thương nhau như: Khi có ai đến bà con bỏ việc cùng chung tay dựng nhà cho người mới có chỗ ở, giúp người mới đến hòa nhịp nhanh với cuộc sống.Trong khoảng thời gian 1957-1958, một số bà con thuộc các làng khác như: Hòa Khánh, Lương Hội, Sài Quất, Thanh Sầm, Kim Bảng cũng về đây sinh sống, nhưng chỉ có ít gia đình, còn đại đa số vẫn là bà con người làng Vĩnh Phúc.

THỜI KỲ LẬP NHÀ NGUYỆN
Từ năm 1958 - 1968

Sau khi đã định cư và ổn định, tiếng lành đồn xa mỗi ngày có thêm người di cư Công Giáo đến ở. Mọi người sinh hoạt phụng vụ và tham gia hội đoàn ở nhà thờ xứ. Nam giới một số các ông tham gia hội Phạt Tạ Thánh Tâm, nữ giới tham gia hội Con Đức Mẹ, các cụ Dòng Ba Đaminh đọc kinh lúc 12h trưa. Các em thiếu nhi đi lễ sáng lúc 7h xong, về nhà ăn sáng, đến 9h vào học giáo lý đến 11h. Đã nảy sinh ước mong có riêng một nơi đọc kinh chung (một lời kinh chung bằng thúng kinh riêng), cũng mong muốn có được một Cha xứ riêng đến ở chăm sóc cộng đoàn. Cũng vì việc đi tham dự Thánh Lễ và đọc kinh chung ở nhà thờ xứ khó khăn, đi sớm đi tối, đường thì vắng vẻ, mưa gió lầy lội, nhất là đối với người lớn tuổi.
Xây dựng Nhà Nguyện lần I
NhaNguyen1.jpgNăm 1958, một số cụ cao niên như: cụ Mục Đẳng, cụ Mục Tại, ông Mục Đạc, ông cụ Kiên (trùm Các), ông Trắc (trùm Huế), ông cụ Chỉ (ông Bản người làng Kim Bảng), và một số bà con nữa, ngồi thảo luận cùng nhau thực hành ý nguyện.
Các cụ Gioan Baotixita Đàm Văn Cẩm (cụ Đẳng người Vĩnh Phúc), ông Phaolô Dương Văn Chỉ (cụ Bản người Kim Bảng), ông Gioan Baotixita Lê Văn Ngô (cụ Mục Tại người Vĩnh Phúc) đứng ra mua mảnh đất của ông Xã Nệ, rộng khoảng 450m2, và kêu gọi bà con chung tay dựng một khung nhà bằng cây vách đất trên lợp lá, để làm nhà nguyện, được cha Phaolô Lê Trung Thịnh đến làm phép.
Nhà nguyện gồm 3 gian: một gian bàn thờ và hai gian để bà con đến đọc kinh, dự lễ (trải chiếu ngồi chứ không có ghế) vật liệu, công sức xây dựng nhà nguyện được bà con chung tay đóng góp.
Sau khi dựng nhà nguyện xong, bà con đồng lòng đề cử ông Tổng Mậu cùng với vài ba cụ cao niên, làm đại diện cho bà con vào gặp cha Thomas Phạm Ngọc Biểu chánh xứ Phú Bình.
Cha cố Thomas biết chuyện, nhưng vì đã làm rồi, tuy không hài lòng nhưng cha cố Thomas vẫn chấp thuận và cho cử hành thánh lễ vào mỗi buổi chiều thứ bảy hằng tuần. Và giao cho ông giáo Tích (phó Tôn) trông coi việc phụng vụ vì nhà ông ở ngay bên. Bà con mua phần đất trồng rau còn lại của ông Xã Nệ để làm sân nhà nguyện (giáp ranh nhà ông Gấm và nhà bà Thọ).
Các vị trùm đầu tiên
Năm 1959 cha cố Thomas cắt cử:

- Ông trùm Tự, bà quản Sắm, trông coi khu Bãi rác trên.
- Ông trùm Kiên, bà quản Bàng (đến năm 1962), giao lại bà quản Bùng, trông coi khu Bãi rác dưới.
Xây dựng Nhà Nguyện lần II
Do thời gian và thời tiết nắng mưa làm hư hỏng, hơn nữa bà con công giáo đang dần đông lên, năm 1962, nhà nguyện được làm lại dài hơn với 5 gian,  thay mái lá bằng mái tôn. Khi đang thực hiện, bà con đã xảy ra những bất đồng. .. đúng là đàn chiên không có Mục Tử như “con không cha, nhà không nóc”. Lúc đó, đã có vị lên tiếng rằng: “làm nhà thờ, nhà thánh mà không đồng lòng, không bác ái thương yêu thì còn ơn ích gì”. Vì vậy, tường có nơi được xây bằng gạch, có chỗ vẫn còn trát đất, nhờ thế bà con đã nhìn lại và bỏ hết đi những chuyện không vui, cùng nhau xây đắp sự hiệp nhất, an vui.
Nhà nguyện Vĩnh Hòa được đặt tên theo địa danh:Vĩnh lấy từ Vĩnh Phúc; Hòa lấy từ Phú Thọ Hòa, hơn nữa Vĩnh Hòa còn mang một ý nghĩa nhân văn là hòa hợp vĩnh cửu.
Lúc này, Vĩnh Hòa được chia thành Vĩnh Hòa khu trên và Vĩnh Hòa khu dưới.      

Nhanguyen2.jpg ToKhaiGiaDinh.jpg
Sơ đồ các khu khi đã được đặt giáo họ Vĩnh Hòa 1962     

Xây dựng Nhà Nguyện lần III (1968)

“Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc.
Anh em hãy tin vào Thiên Chúa” (Mc 11,11 - 26)

Năm 1964, khi chính quyền Sài Gòn có dự án qui hoạch khu bãi rác Đô Thành để xây dựng cư xá Phú Thọ Hòa cho dân ở, nhà nguyện nằm trong diện giải tỏa do kết cấu không vững chắc - tương chỗ gạch, chỗ đất, mái tôn cũ. Ông Đẳng (con cụ Mục) lúc này đang làm việc tại Quận 6 nên biết rõ dự án, đã vào trình cha cố Thomas chính xứ biết.
Vì thế, cha cố Thomas cùng các bậc bô lão và bà con Vĩnh Hòa xây dựng một ngôi nhà thờ mới: bằng bê tông cốt thép nằm trên phần đất ngôi nhà nguyện trước đó rộng hơn khoảng 400m2. Nguồn kinh phí xây dựng nhà thờ do cha cố Thomas Phạm Ngọc Biểu đứng ra lo liệu, đồng thời cha cố Thomas đặt nơi mỗi nhà một thùng tiết kiệm (bằng két đạn), cứ hàng tháng cha cố đến từng nhà nhận về gọi là phần bà con giáo dân Vĩnh Hòa chung tay đóng góp với cha cố và hoàn thành vào năm 1968 (Mậu Thân). Đất lành chim đậu, bà con giáo dân về ở khu Vĩnh Hòa một ngày một đông, ngôi nhà nguyện không đủ chỗ để bà con tham dự Thánh lễ.
Những năm tiếp theo, bà con góp tiền được 360 nghìn và xin cha cố Biểu mua phần đất của nhà ông Gấm.
Sau khi ngôi Nhà thờ họ được xây dựng xong, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã về dâng Thánh lễ tạ ơn và Khánh thành. Trong dịp này, Đức Tổng Giám mục cũng ban Bí tích Thêm Sức cho các em thiếu nhi tại đây.
Cha cố Biểu cho tăng thêm thánh lễ vào chiều Chúa Nhật, lễ an táng, lễ hôn phối nhưng chỉ với bà con giáo dân ở Vĩnh Hòa khu trên và khu dưới, còn khu Kiến thiết (khu cư xá Phú Thọ Hòa) và Dũng Kim thì vẫn vào nhà thờ xứ.
Các em thiếu nhi được học giáo lý vào các sáng Chúa Nhật tại nhà thờ mới do ông quản Điều, ông quản Dương (bố ông Dưỡng), ông trùm Tích và thầy Bốn (thầy chức Bốn trong Phú Bình). Nhưng việc tham dự Thánh lễ và lãnh nhận các Bí Tích vẫn ở nhà Thờ xứ.
Biến cố 1975 đã làm cho đời sống tinh thần và vật chất của bà con giáo dân gặp rất nhiều khó khăn: đọc kinh giỗ các gia đình, các em không được học giáo lý tại nhà thờ họ… Nhiều gia đình phải đi kinh tế mới, một số bà con phải bán ruộng vườn, các gia đình Công giáo và tôn giáo bạn cũng đến định cư rất đông. Lúc này số giáo dân đã tăng lên đáng kể, từ khoảng 1.000 lên đến hơn 2.000. Đến năm 1991 số giáo dân là 2.700.
Khoảng đầu 1980, bà cụ Khuê bàn bạc với bà cụ Điều đi đến thống nhất, bà cụ Khuê mua phần đất còn lại của bà Thọ với mục đích vuông vức đất nhà thờ.
Cuối năm 1990, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình cử cha Giuse Mai Văn Rự đặc trách nhà nguyện Vĩnh Hòa.

GxVinhHoa.jpg

Giáo xứ Vĩnh Hoà hiện nay