Cầu nguyện theo Lời Chúa

Ước mong những giờ “Cầu nguyện theo Lời Chúa” sẽ luôn là một khoảng thời gian đặc biệt trong đời sống đức tin của người Kitô hữu, nhất là của các bạn trẻ tại thành phố này, để khát vọng tìm gặp Chúa Kitô luôn được thắp sáng và đời sống luôn được Lời Chúa biến đổi, từ đó Tin Mừng yêu thương của Thiên Chúa được loan báo cho mọi người.

Thông báo và giới thiệu
CẦU NGUYỆN THEO LỜI CHÚA
tại Tổng Giáo phận Sài Gòn - Tp. HCM
 
 
1. Đôi nét lịch sử hình thành

Vào tháng 1 năm 2000, Đức Tổng Giám mục [sau này là Đức Hồng Y] GB. Phạm Minh Mẫn đi họp Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) tại Thái Lan. Qua những giờ cầu nguyện mỗi buổi tối do một thầy thuộc Cộng Đoàn Taizé được mời tới để tổ chức cho các giám mục, Đức Tổng Giám mục nhận thấy cách cầu nguyện như vậy hữu ích cho đời sống thiêng liêng và khi trở về Việt Nam, Ngài đã thao thức muốn thực hiện những giờ cầu nguyện hằng tuần như thế cho giáo dân.

Theo lời đề nghị và hướng dẫn của Đức Tổng Giám mục Gioan Baotixita, những buổi cầu nguyện đầu tiên theo hình thức của Cộng đoàn Taizé đã được thực hiện tại Đại chủng viện Thánh Giuse cho các chủng sinh, vào những ngày cuối của niên khóa 1999-2000, dưới sự điều hành của cha [sau này là Đức Giám mục] Giuse Đỗ Mạnh Hùng, giáo sư và linh hướng tại Đại chủng viện, cùng với sự giúp đỡ đặc biệt của  thày phó tế [sau này là cha] Rôcô Nguyễn Duy.

Sau đó, các buổi cầu nguyện theo cách thức của Cộng đoàn Taizé, gọi tắt là “Cầu nguyện Taizé”, đã được tổ chức mở rộng cho các thành phần dân Chúa vào mỗi tối thứ ba, từ 19g30 đến 20g30 tại nhà nguyện cổ của Đại chủng viện Thánh Giuse, do các thầy điều khiển và hướng dẫn cùng với sự hỗ trợ thường xuyên của 6 ca đoàn: Giáo xứ Tân Định, giáo xứ Thanh Đa, giáo xứ Thị Nghè, giáo xứ Mạc Ty Nho, giáo xứ Hàng Sanh và các soeurs Dòng Thánh Phaolô.

Kể từ năm 2000 đến năm 2014, các buổi Cầu nguyện Taizé đã trải qua hai giai đoạn chính, có thể được tóm lược như sau:

Giai đoạn hình thành (2000-2002)

Cho đến cuối tháng 6 năm 2002, buổi Cầu nguyện Taizé được thực hiện tại Đại chủng viện Thánh Giuse là buổi cầu nguyện lần thứ 100. Cách thức cầu nguyện theo Cộng đoàn Taizé, sau hơn 2 năm thử nghiệm, cách nào đó đã được “Việt Nam hóa” để thích ứng với hoàn cảnh của người giáo dân Việt Nam.

Trong giai đoạn này, các thày Khóa IV, V, VI đã tuần tự soạn thảo các tập hướng dẫn 1, 2, 3, 4, 5, trong đó có in sẵn những bài hát dành cho từng buổi cầu nguyện, theo Năm phụng vụ C.

Giai đoạn ổn định và phát triển (2002-2014)

Trước nhu cầu cần có thêm phần bài hát và phần hướng dẫn cho cả ba Năm phụng vụ A-B-C, cũng như rút kinh nghiệm của những tập hướng dẫn trước, các thày Khóa V, VI, VII đã góp sức biên soạn một bộ sách hoàn chỉnh, ra mắt vào dịp Thứ Năm Tuần Thánh ngày 17 tháng 4 năm 2003, gồm 4 cuốn:
- Cuốn Bài hát: Trong đó tâp hợp và bổ sung những bài thánh ca để cộng đoàn sử dụng trong giờ Cầu nguyện, cho cả ba Năm phụng vụ A-B-C.
- Ba cuốn Hướng dẫn: Cũng được soạn theo Năm phụng vụ A-B-C, trong đó trọng tâm vẫn là Lời Chúa của ngày Chúa nhật, cùng với những phần dùng để dẫn nhập, suy niệm và cầu nguyện.

Một sự kiện ý nghĩa đã diễn ra trong giai đoạn này: Vào ngày 09 tháng 02 năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Cầu nguyện Taizé tại Việt Nam, Sư huynh Alois, Tu Viện trưởng của Cộng đoàn Taizé tại Pháp, cùng 3 sư huynh đã đến tham dự buổi cầu nguyện được tổ chức tại Trung Tâm Mục vụ của giáo phận với chủ đề: “Thắp sáng khát vọng tìm gặp Thiên Chúa”.

2. Thực hiện trong tinh thần sáng tạo và hội nhập

Cách thức cầu nguyện theo Cộng Đoàn Taizé hiện nay, sau nhiều năm thực hiện, có thể nói đã được “Việt Nam hóa” để thích ứng với hoàn cảnh, nhu cầu và nhất là tâm thức của người tín hữu Việt Nam, cụ thể là tại Tổng giáo phận Sài Gòn - Tp. HCM; trong đó, hai điểm hội nhập nổi bật hơn cả đó là cộng đoàn cầu nguyện và nội dung cầu nguyện.

Cộng đoàn cầu nguyện
Cộng đoàn cầu nguyện Taizé tại Pháp, là một cộng đoàn chiêm niệm và cố định của các thày trong Tu Viện; các bạn trẻ đến để tham dự vào và có thể được hướng dẫn trước về nội dung Lời Chúa của giờ cầu nguyện. Còn cộng đoàn cầu nguyện theo hình thức Taizé tại Việt Nam được mở rộng cho tất cả các tín hữu thuộc mọi giới: Từ thiếu nhi, giới trẻ đến trung niên, hoặc người lớn tuổi và cả các linh mục, tu sĩ nam nữ cũng được mời gọi tham dự; ngay cả nhóm hướng dẫn cũng được linh động thay đổi, mỗi tuần có một một số thầy giúp hướng dẫn cùng với các ca đoàn luân phiên hỗ trợ cùng hát với cộng đoàn.

Nội dung cầu nguyện
Cộng đoàn tại Taizé là một cộng đoàn chiêm niệm và đại kết, chủ đề Lời Chúa cũng như những câu Kinh Thánh được chọn dựa trên Phụng vụ Giờ kinh trong ngày, hoặc theo một số chủ đề đặc biệt như sám hối, tạ ơn, dấn thân…

Riêng tại Việt Nam, các buổi Cầu nguyện Taizé được thực hiện hằng tuần, nên Lời Chúa được chọn theo ngày Chúa Nhật trong chu kỳ của Năm phụng vụ A-B-C. Theo cách này, Thánh vịnh Đáp ca và bài Tin Mừng của ngày Chúa Nhật vừa qua được cử hành lại một lần nữa trong suy niệm và cầu nguyện, để lời Lời Chúa được tác động, cũng như thấm sâu hơn vào trong tâm hồn và đời sống của người tín hữu.

Về cấu trúc, giờ Cầu nguyện Taizé gồm có:

Chuẩn bị đón nhận Lời Chúa
1. Hát kinh Chúa Thánh Thần
2. Giới thiệu Chủ đề Lời Chúa
3. Ca Ngợi khen
4. Ca vịnh - Câu đáp Alleluia
5. Ca Ánh sáng

Lắng nghe Lời Chúa
6. Ca Tin Mừng

Để Lời Chúa tác động
7. Ca Suy niệm
8. Suy niệm và cầu nguyện riêng
9. Lời cầu - Lời đáp Kyrie Eleison
10. Kinh Lạy Cha - Lời Nguyện kết - Phép lành
11. Bài ca kết thúc

- Giờ cầu nguyện luôn được khởi đầu với bài hát xin ơn Chúa Thánh Thần, vì chính Chúa Thánh Thần liên kết cộng đoàn đồng tâm nhất trí và cầu nguyện theo đúng tinh thần Kitô giáo.

- Bài ca Tin Mừng được cử hành bằng cách cộng đoàn cùng lắng nghe từng câu Tin Mừng như những “phiên khúc” và cùng đáp lại với một “điệp ca”; như thế, giúp Lời Chúa có thời gian thấm sâu vào trong tâm hồn mỗi người.

- Dựa vào Lời Chúa vừa nghe, Bài ca suy niệm được hát lên với các phiên khúc khác nhau để dẫn vào tâm tình suy niệm, gặp gỡ và cầu nguyện riêng với Chúa trong thinh lặng.

- Tâm tình chúc tụng - tạ ơn và cầu xin, được gợi ý từ Lời Chúa, đan kết với nhau thành phần kết thúc của giờ cầu nguyện.

- Sau cùng, Bài ca kết thúc thường hướng về Đức Mẹ Maria, để nhờ Mẹ nâng đỡ và phù hộ, mỗi người trong cộng đoàn khi ra về được gắn bó ngày một mật thiết hơn với Chúa Kitô qua Lời của Ngài.

Về các bài thánh ca trong giờ cầu nguyện:

- Trong các buổi Cầu nguyện Taizé tại Pháp, thường có sự tham dự của các bạn trẻ thuộc các ngôn ngữ khác nhau, vì thế thường sử dụng những bài thánh ca với điệp khúc ngắn gọn, đơn giản để mọi người có thể cùng hát. Tuy vậy, tính đơn giản của điệp khúc lại được hòa điệu với âm thanh của những nhạc cụ và đặc biệt là phần “solo” của ca đoàn các thầy trong cộng đoàn Taizé.
- Trong khi đó tại Việt Nam, các bài hát sử dụng trong giờ cầu nguyện chủ yếu là lời Việt, được tuyển chọn từ kho tàng phong phú của thánh ca Việt Nam, nên cộng đoàn cũng đã ít nhiều quen thuộc với giai điệu và lời ca; do đó, tất cả có thể cùng hát chung. Mặt khác, những bài thánh ca Việt Nam được sử dụng trong buổi cầu nguyện, ngoài việc lưu ý đến nội dung, chủ đề và ca từ, thì tiêu chuẩn để tuyển chọn chính là tính êm dịu, tiết điệu không quá vui nhộn, các quãng không quá xa và kỹ thuật không quá phức tạp để cộng đoàn dễ dàng tham dự và đi vào tâm tình suy niêm, cầu nguyện theo sự tác động của Lời Chúa.

3. Nỗ lực để giờ cầu nguyện được thực hiện

Từ năm 2014, khi cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng được bổ nhiệm về làm Chưởng ấn tại Tòa Tổng giám mục Sài Gòn, các buổi Cầu nguyện Taizé hằng tuần đã tạm ngưng. Trong thời gian qua, các thày Khóa XII, XIII và XIV vẫn tiếp tục hoàn chỉnh bộ sách cho các buổi Cầu nguyện Taizé. Đến nay, bộ sách mới kể như đã được hoàn tất, gồm 4 cuốn: Cuốn Bài hát cho cộng đoàn (được bổ sung thêm những bài hát) và 3 cuốn Hướng dẫn theo Năm phụng vụ A-B-C (được bổ túc đầy đủ cho tất cả các Chúa nhật và các ngày Lễ).

Hiện nay, Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc mong muốn các giờ cầu nguyện theo cách thức của Cộng đoàn Taizé tiếp tục được thực hiện tại Đại chủng viện Thánh Giuse với sự cố vấn của Đức Giám mục Phụ tá Giuse Đỗ Mạnh Hùng.
Vậy việc tổ chức các buổi “Cầu nguyện Taizé” - nay chính thức được gọi là “Cầu nguyện theo Lời Chúa” - được giao cho các cha đặc trách và các thày thuộc Đại chủng viện Thánh Giuse cùng với sự hỗ trợ của các ca đoàn như trước đây.

Buổi cầu nguyện đầu tiên sẽ được cử hành trở lại vào ngày 10 tháng 10 năm 2017.

Những hướng dẫn và những bài hát giúp thực hiện những buổi Cầu nguyện hằng tuần cũng sẽ được phổ biến trên Website của Tổng giáo phận Sài Gòn - Tp.HCM (http://www.tgpsaigon.net/).

Ước mong những giờ “Cầu nguyện theo Lời Chúa” sẽ luôn là một khoảng thời gian đặc biệt trong đời sống đức tin của người Kitô hữu, nhất là của các bạn trẻ tại thành phố này, để khát vọng tìm gặp Chúa Kitô luôn được thắp sáng và đời sống luôn được Lời Chúa biến đổi, từ đó Tin Mừng yêu thương của Thiên Chúa được loan báo cho mọi người.
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn, ngày 01 tháng 10 năm 2017
+ Giuse Đỗ Mạnh Hùng
Giám mục Phụ tá