Năm gia đình đôi dòng suy nghĩ

Gia đình chính là chủng viện đầu tiên, nơi ươm trồng ơn gọi. Và không chỉ là ơn gọi linh mục, tu sĩ, nhưng trước hết là ơn gọi làm Kitô hữu, rồi mới đến ơn gọi hôn nhân hoặc đời sống tu trì.

1.Tôi mới dự lễ kỷ niệm ngân khánh của một linh mục. Nét đẹp của ngày lễ là ở chỗ vị linh mục vừa kỷ niệm 25 năm chịu chức, vừa mừng thọ mẹ được 90 tuổi. Không thể không liên tưởng đến câu chuyện dễ thương về Đức Giáo Hoàng Piô X. Chuyện kể rằng ngài được gọi làm giám mục và sau ngày thụ phong, ngài về quê thăm mẹ. Khi ngài vui mừng khoe nhẫn giám mục với mẹ thì bà mẹ cũng đưa bàn tay cho con xem nhẫn cưới và nói với con : không có nhẫn cưới này của mẹ thì đâu có nhẫn giám mục của con !
Câu nói thật dễ thương và cũng thật hùng hồn, làm nổi bật tầm quan trọng của các bậc cha mẹ trong đời sống gia đình với việc vun trồng ơn gọi linh mục, tu sĩ. Đã hẳn luôn có những trường hợp đặc biệt nhưng thông thường, gia đình chính là chủng viện đầu tiên, nơi ươm trồng ơn gọi. Và không chỉ là ơn gọi linh mục, tu sĩ, nhưng trước hết là ơn gọi làm Kitô hữu, rồi mới đến ơn gọi hôn nhân hoặc đời sống tu trì. Các giám mục Việt Nam đã bày tỏ tâm tình này cách rõ ràng trong Tâm Thư gởi các gia đình Công giáo : “Các gia đình đã và đang góp phần rất lớn vào đời sống Hội Thánh bằng việc cống hiến những Kitô hữu nhiệt thành và đạo đức, vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ. Bản thân các giám mục chúng tôi cũng được lớn lên trong các gia đình đạo đức, nhờ đó hạt giống ơn gọi được nuôi dưỡng và lớn lên trong cuộc đời. Chính vì thế, chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu xa với các gia đình, đồng thời xác tín rằng gia đình thực sự là con đường Hội Thánh phải đi, và mọi kế hoạch của Hội Thánh phải khởi đi từ gia đình” (số 2).
2. Vì gia đình là con đường Hội Thánh phải đi cho nên ở mọi nơi và mọi thời, Hội Thánh luôn quan tâm đến gia đình, cách riêng trong thời hiện tại. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới năm 2014 và 2015 để bàn về gia đình và hoa trái của Thượng Hội Đồng là Tông huấn Niềm vui của tình yêu (Amoris laetitia). Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu cũng mới họp Đại hội vào tháng 11 năm 2016 với chủ đề Gia đình Công giáo tại châu Á : Hội Thánh tại gia của người nghèo thi hành sứ vụ thương xót.

"...Cái làm nên một gia đình là tình yêu thương chứ không hẳn là nhà cao cửa rộng"

Sở dĩ Hội Thánh ngày nay quan tâm đặc biệt đến gia đình vì gia đình đang bị nhận chìm trong cuộc khủng hoảng, thể hiện qua con số ly dị ngày càng tăng và những hậu quả trầm trọng của tình trạng đổ vỡ này, nhất là trên con cái, và qua đó, trên đời sống xã hội hiện nay cũng như tương lai. Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định : “Ly dị là một điều xấu và số lượng các vụ ly dị ngày càng gia tăng là điều rất đáng lo ngại. Vì thế, không nghi ngờ gì nữa, nhiệm vụ mục vụ quan trọng nhất của chúng ta đối với gia đình là phải củng cố tình yêu của đôi bạn, giúp họ chữa lành những vết thương, để có thể ngăn chặn sự lây lan của thảm kịch này trong thời đại chúng ta” (Niềm vui của tình yêu, số 246).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đổ vỡ hôn nhân và gia đình, từ những lý do kinh tế và vật chất đến những lý do tâm lý, đạo đức và văn hóa thời đại. Tuy nhiên, điều đáng nói là có cả một hệ ý thức chủ trương và đang tìm mọi cách để thay đổi ngay chính khái niệm về gia đình và phá hủy cấu trúc gia đình truyền thống, đến nỗi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói đến “cuộc chiến tranh toàn cầu chống lại gia đình”.
3. Ý thức về tầm quan trọng của gia đình, đồng thời hòa vào nhịp sống chung của Hội Thánh, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề nghị kế hoạch mục vụ 3 năm, tập trung vào đời sống hôn nhân và gia đình, với chủ điểm cho từng năm : (1) Năm 2017: chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân; (2) Năm 2018: đồng hành với các gia đình trẻ; (3) Năm 2019: đồng hành với các gia đình gặp khó khăn.
Những chủ điểm này sẽ được khai triển cụ thể trong thời gian tới, ở từng giáo phận và giáo xứ. Nếu có điều gì đáng lưu ý ở đây, chỉ là hai điều này : Một là tính liên tục và thống nhất trong kế hoạch mục vụ : mỗi năm một chủ điểm nhưng không tách rời mà nằm trong mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Hai là sự đồng hành : những chủ điểm mục vụ của từng năm diễn tả sự đồng hành của Hội Thánh với gia đình từ bước đầu đến bước cuối và trong mọi hoàn cảnh. Sự đồng hành đó còn được thể hiện qua Tâm thư của Hội Đồng Giám Mục gởi các gia đình. Gần 1 triệu bản đã được phân phối với ước mong mỗi gia đình Công giáo tại Việt Nam đều có bức tâm thư đó trong nhà, để nhắc nhở và nâng đỡ nhau trong hành trình ơn gọi hôn nhân và gia đình.
*
Những dòng này được viết trong bầu khí vui tươi và thánh thiện của lễ Giáng Sinh. Khi chiêm ngắm Hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ, nhiều câu hỏi xuất hiện trong tâm trí : Có cha mẹ nào sinh con mà lại quỳ gối thờ lạy con ? Có gia đình nào vừa kết thân với những người nghèo nhất là các mục đồng, vừa có bạn thuộc hàng đại gia như ba vua? Tại sao một gia đình nghèo “rớt mùng tơi” thế này lại trở thành mẫu mực cho đời sống gia đình ?
Hóa ra, cái làm nên một mái ấm gia đình là tình yêu thương chứ không hẳn là nhà cao cửa rộng, dẫu là điều đáng ước mong. Và một gia đình được gọi là Thánh Gia khi gia đình đó biết mở ra thay vì khép kín : mở ra với siêu việt trong đời sống thờ phượng và cầu nguyện; mở ra với tha nhân bằng vòng tay đón tiếp chân tình; mở ra với cuộc đời bằng bước chân phục vụ. Lại chẳng phải là tiếng gọi cho mỗi gia đình Công giáo hay sao ?

ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm
GPMỹ Tho

Nguồn: cgvdt.vn