Lễ Đức Mẹ Mông Triệu( lễ trọng)

Lời Chúa: Lời Chúa: Lc 1,39-56
Tác giả: Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh

Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần,  liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.  Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."
Bấy giờ bà Maria nói:
"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ápraham
và cho con cháu đến muôn đời."
Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
 
Bài giảng Lễ Đức Mẹ Mông Triệu( lễ trọng)

Tải file tại đây: Bài giảng Thánh lễ Lễ Đức Mẹ Mông Triệu( lễ trọng)

Suy niệm: 

Thánh Luca thuật lại một cuộc thăm viếng thánh thiện, sinh ra nhiều hoa trái thánh thiện: Người đi thăm là Đức Maria, kẻ đang mang Chúa Giêsu trong lòng, kẻ “có phúc hơn mọi người nữ”, và có phúc bởi vì đã tin. Bởi thế người được thăm đã lãnh nhận những hồng ân cao cả: Bà Êlisabét đã nói “Bởi đâu tôi được diễm phúc là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy!”.

Trong cuộc sống xô bồ ngày nay, chuyện đi thăm viếng nhau ngày càng ít dần. Nhất là những người sống nơi thành thị. Có khi hai người ở sát nhà nhau mà không gặp nhau suốt cả tháng trời. Tình nghĩa láng giềng ngày càng lợt lạt, thay vào đó là đèn nhà ai nhà nấy sáng, sống chết mặc bay. Linh mục Azevedo nhận xét: ngay cả những tu sĩ ở cùng một cộng đoàn mà nhiều khi chỉ sống bên cạnh nhau chứ không phải sống với nhau. Câu chuyện Đức Mẹ lặn lội đường xa đến thăm và giúp đỡ bà Êlisabét là một lời nhắc nhở những người sống cạnh nhau hãy nhớ đến nhau.

Ngược lại, có những người thăm viếng nhau hàng ngày, mỗi ngày bỏ rất nhiều thời giờ để nói chuyện cà kê dê ngỗng với nhau hoặc ngồi lê đôi mách. Việc họ thăm viếng nhau chẳng những không giúp ích gì cho nhau mà còn làm dịp tội cho nhau và là dịp để nói xấu người khác. Đức Maria đến với Bà Êlisabét đã mang lại cho bà nhiều ích lợi tích cực : giúp đỡ bà trong những ngày chuẩn bị sinh nở, và nhất là mang Chúa đến cho bà. Tôi xét lại những cuộc thăm viếng của tôi xem : Tôi có mang Chúa đến cho người tôi thăm không ? Những điều tôi nói có phải là Tin Mừng khiến người tôi thăm được bình an và hạnh phúc hơn không?

Magnificat là bài ca của những người khiêm tốn biết thân phận hèn kém của mình nên hoàn toàn cậy dựa vào Chúa và nhờ đó mà được Ngài làm nơi mình những việc trọng đại. Ta hãy đặt mình vào tâm tình của Đức Mẹ và cùng với Người hát lên bài ca tuyệt vời này.

Một tổng thống có những cuộc thăm viếng thường xuyên những người lính tại một bệnh viện. Ông đi từ phòng này tới phòng khác, khích lệ và cảm thông với những bệnh nhân. ông đến cạnh một anh lính trẻ đang hấp hối và hỏi : Này bạn, tôi có thể giúp gì cho bạn ? Anh nhìn lên và diễn tả điều ao ước : Ngài sẽ viết thư cho mẹ tôi giúp tôi được không ? Ông đồng ý : Tôi sẽ viết và yêu cầu lấy giấy bút. Ông ngồi cạnh giường và viết những gì anh đọc cho. Viết xong, ông quay lại nói : Tôi sẽ gởi thư này ngay sau khi rời khỏi văn phòng. Và bây giờ còn điều gì khác tôi có thể làm không ? Anh ngước nhìn, ngập ngừng, và cuối cùng buột miệng: Ngài có thể ở lại với tôi ? Tôi muốn ngài nắm tay tôi. Ông nắm tay anh cho đến khi anh chết vài giờ sau đó.

Bà Maria vội vã lên đường… và ở lại với Bà Êlidabét độ 3 tháng: Trên con đường cheo leo đầy sỏi đá, Mẹ bước đi bằng cả tâm hồn. Trái tim Mẹ hòa cùng nhịp đập với Giêsu, với khát khao phục vụ con người.

Dưới đây là câu chuyện của một người, một người đang sống trên đời nhưng lại đã mệt mỏi đến phát khóc lên được. Người ấy có thề là chính tôi, chính bạn chăng ?
Một ngày kia, tôi nhìn quanh mình và thấy rằng:
Hạnh phúc đang ở đó, ngay trong tầm tay mình.
Tôi đưa tay ra để nắm lấy thứ hạnh phúc ấy.
Đó là một cành hoa, tôi bèn hái lấy đóa hoa.
Nhưng khi đóa hoa đã nằm trong tay tôi thì nó trở nên úa tàn...
Hạnh phúc lại là một tia nắng mặt trời.
Tôi ngước mắt nhìn lên để đón lấy ánh sáng rực rỡ,
Nhưng tức khắc có một đám mây che phủ mất cả mặt trời...
Hạnh phúc lại còn là một cây đàn ghi ta.
Tôi vuốt ve những phím đàn,
Nhưng nó chỉ bật lên những thanh âm nhạt nhẽo vô duyên...
Ngày hôm sau, tôi vẫn tiếp tục đi tìm hạnh phúc.
Dọc đường, tôi thấy một đứa bé đang khóc vì tủi thân.
Chẳng biết lấy gì mà an ủi, tôi hái một đóa hoa để tặng cho em
Hương thơm đóa hoa cũng làm cho tôi phải ngất ngây...
Tôi lại gặp một người đàn bà đang run lập cập,
Mà quần áo trên người thì lại rách tả tơi.
Tôi nắm lấy tay bà ta và dẫn ra dưới ánh nắng mặt trời.
Ngay lúc đó, chính tôi cũng cảm thấy được sưởi ấm lây...
Sau đó, tôi lại gặp một nhóm bạn trẻ đang vui đùa ca hát.
Tự nhiên, tôi cũng cảm thấy bị cuốn hút lạ lùng đến với họ
Bởi vẻ đẹp của những giai điệu tan ra từ chiếc ghita cũ kỹ. Chiều hôm ấy, tôi trở về nhà, và tôi cảm thấy hạnh phúc đã trào dâng tự thâm sâu...

Cái chết của Đức Mẹ được người ta nói tới bằng nhiều cách : Dormitio (an giấc) ; Transitus (chuyển hoá) ; Natalis (sinh ra trên đời) ; Assumptio (được nâng lên)... Toàn là những cách nói đẹp, bởi vì Mẹ đã sống rất đẹp.

Có thể ví đời người như một câu văn mà cái chết là dấu chấm câu :

- Có cái chết như một dấu phẩy (,) tức tưởi không trọn vẹn ;
- Có cái chết như một dấu chấm than !) buồn hiu hắt ;
- Có cái chết như một dấu chấm hỏi ( ?) băn khoăn ray rứt ;
- Có cái chết như dấu 3 chấm (…) còn bỏ ngõ ;
- Và có cái chết như dấu chấm tròn (.) thật đầy đủ, trọn vẹn, tuyệt mỹ.

Cái chết của Đức Mẹ chính là đấu chấm tròn. Còn cái chết của tôi sẽ là gì ?

 Bài Ðọc I: Kh 11, 19a; 12, 1-6a, 10ab

"Một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Ðền thờ Thiên Chúa trên trời đã mở ra. Và một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao: Bà đang mang thai, kêu la chuyển bụng, và đau đớn sinh con.

Lại một điềm lạ khác xuất hiện trên trời: một con rồng đỏ khổng lồ, có bảy đầu, mười sừng, và trên bảy đầu, đội bảy triều thiên. Ðuôi nó kéo đi một phần ba tinh tú trên trời mà ném xuống đất. Con rồng đứng trước mặt người nữ sắp sinh con, để khi Bà sinh con ra, thì nuốt lấy đứa trẻ.

Bà sinh được một con trai, Ðấng sẽ dùng roi sắt mà cai trị muôn dân: Con Bà được mang về cùng Thiên Chúa, đến tận ngai của Người. Còn Bà thì trốn lên rừng vắng, ở đó Bà được Thiên Chúa dọn sẵn cho một nơi.

Và tôi nghe có tiếng lớn trên trời phán rằng: "Nay sự cứu độ, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta, và uy quyền của Ðức Kitô của Người đã được thực hiện".

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 20-26

"Hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Chúa".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Ðức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ðức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng, khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực. Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết, bởi Người đã bắt mọi sự quy phục dưới chân Người.