Thứ năm tuần XXVII Thường niên, A

Lời Chúa: Lc 11,5-13
Tác giả: Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

5 Người còn nói với các ông : "Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói : 'Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, 6 vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả' ; 7 mà người kia từ trong nhà lại đáp : 'Xin anh đừng quấy rầy tôi : cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.' ? Thầy nói cho anh em biết : dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.
"Thế nên Thầy bảo anh em : anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. 10 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. 11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó ? 12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp ? 13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?"

Bài giảng Thứ năm tuần XXVII Thường niên, A

Tải file tại đây: Bài giảng Thánh lễ Thứ năm tuần XXVII Thường niên, A

Suy niệm: 
A. Phân tích (Hạt giống...)
1. Dụ ngôn này được đặt tên là “người bạn quấy rầy”
- “Quấy rầy” vì đến gõ cửa ban đêm để vay bánh: việc này khiến chủ nhà bị mất ngủ. Và nếu chủ nhà thức dậy thắp đèn lên, rồi lấy bánh, rồi mở cửa, rồi nói chuyện... thì sẽ làm cho vợ con của ông cũng mất ngủ luôn. Bởi thế, chủ nhà đã nói vọng ra lời từ chối. Nhưng người bên ngoài cứ vừa gõ cửa vừa kêu mãi.
- Nhưng người đứng bên ngoài ấy lại là một “người bạn”. Bạn bè thì phải thương yêu nhau và tương thân tương trợ nhau, nhất là trong những khi gặp khó như trường hợp này.
Việc chủ nhà cuối cùng đã cho anh bạn vay bánh có thể vì một trong hai lý do: cho để khỏi bị quấy rầy nữa; cho vì tình bạn. Theo cách diễn tả của dụ ngôn thì người đó đã làm vì lý do thứ nhất. Nếu làm vì lý do thứ hai thì việc cho sẽ có ý nghĩa hơn. Nhưng dù sao thì cuối cùng anh bạn đứng ngoài đã đạt được điều mình xin, và lý do là nhờ anh kiên trì.
2. Sau khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu lý luận theo kiều a fortiori (huống chi) : người đời dù quen hành động theo lý do ích kỷ (để khỏi bị quấy rầy) thế mà cũng phải chịu thua sự kiên trì của người xin. Huống chi Thiên Chúa vốn tốt lành quen đối xử với chúng ta theo tình thương. Bởi thế nếu ai kiên trì cầu xin với Chúa thì chắc chắn sẽ được nhậm lời.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Tại sao Chúa muốn chúng ta cầu xin cách kiên trì ? Vì “Chúa muốn chúng ta ý thức của Ngài cho hay sẽ cho phải được tiếp nhận xứng đáng với tấm lòng. Của cho phải tương xứng với tấm lòng (...) Hơn thế nữa, Chúa muốn tăng đức tin của người cầu xin” (Trích “TMCGK ngày trong tuần”)
2. “Một đứa bé nọ có thói quen đọc kinh trước khi đi ngủ. Ngày kia bị bệnh nặng phải vào nhà thương. Các bác sĩ cho biết em phải qua một cuộc phẫu thuật. Trước khi cho thuốc mê, các bác sĩ cho em biết em sẽ ngủ một giấc dài. Nghe đến ngủ, em bé đã xin quì gối cầu nguyện và kết thúc bằng lời “Xin Chúa cho con chóng lành bệnh”. Sau đó em nằm xuống và xin bác sĩ tiến hành giải phẫu. Hôm sau thức dậy câu hỏi đầu tiên của em là “Thưa bác sĩ, cháu có lành bệnh không ?” Bác sĩ nhìn em bé cảm động nói “Cháu hãy để cho Chúa liệu.... Điều bác tin chắc là lời cầu nguyện của cháu có hiệu nghiệm: cháu đã cứu được một người là chính bác. Từ lâu bác không còn đến nhà thờ, không nhớ đến Chúa. Nhưng hôm qua khi cháu cầu nguyện sốt sắng, Chúa đã đánh động bác. Sáng nay bác đã đến nhà thờ xưng tội, rước lễ...” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
3. “Thầy bảo anh em : anh em cứ xin thì hãy được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho “. (Lc 11,9)
Nhiều lần tôi cầu nguyện với Chúa. Và nhiều lần cảm thất trống vắng. Bao mơ ước với lời cầu không được nhận lời. Nhiều biến cố trong cuộc đời là những thất bại. Và tôi thầm nghĩ: Chúa thật xa vời. Hình như Ngài đã bỏ tôi. Nhưng hôm nay ngồi nhìn lại chính mình. Tôi cảm nhận Chúa luôn ở với tôi. Điều tôi tưởng như là thất bại, chỉ vì tôi :
Chưa đặt niềm tin nơi Ngài ;
chưa kiên nhẫn với việc ngài trao ;
chưa kiên trì gõ cửa và tìm kiếm ý Ngài trong đời tôi.
Vì tôi, chỉ thấy thành quả đạt được là của bản thân hơn là Hồng Ân của Ngài.
TỔNG THỐNG AI - XÂN - HAO
Khi tổng thống Ai - xân - hao của nước Mỹ còn là một cậu bé 15 tuổi đang chạy chơi trong nông trại của cha thì bị vấp ngã.
Vết thương lúc đầu không nặng lắm, nhưng vì bất cẩn nên 2 ngày sau bị nhiễm trùng. Chân cậu bé sưng vù lên, phải đưa đến bác sĩ. Bác sĩ thất vọng nói:
Vết thương đã trở nên quá trầm trọng. Nếu muốn cứu cậu bé thì phải cưa chân thôi.
Ai - xân - hao sốt dữ dội. bác sĩ cho biết chỉ có phép lạ mới cứu nổi. Nghe vậy cả nhà hoảng sợ. Nhưng tin vào lời cầu nguyện như Chúa đã hứa:" Xin thì sẽ được". Thế là bố mẹ và mấy người chị bắt đầu cầu nguyện. Họ cầu nguyện sốt sắng và liên lỉ. Họ tha thiết vững tin vào tình thương Chúa.
Hai ngày sau mấy cậu con trai theo gương bố mẹ và các chị cũng quỳ gối cầu nguyện cho em.
Sáng ngày thứ 3 bác sĩ đến thăm, ông ngạc nhiên khi thấy vết thương bớt hẳn. Cậu bé đã ăn được, ngủ được.
Người ta tiếp tục cầu nguyện. Vài ngày sau đó cậu bé lành bệnh hẳn.
Khi bác sĩ tỏ ra hết sức ngạc nhiên về loại thần dược đã cứu sống bệnh nhân cách lạ lùng như thế thì được gia đình cho hay:
Chúng tôi cầu nguyện và vững tin vào lời Chúa:
" Hãy xin thì sẽ được."
Chúng ta cũng cầu nguyện, nhưng nhiều khi thiếu kiên nhẫn, nên hễ thấy lời cầu của mình chưa được đáp ứng thì đâm ra nản lòng, có lúc còn trách móc cả Chúa nữa.
Trước hết và trên hết chúng ta hãy xác tín rằng Thiên Chúa là Cha nhân từ luôn yêu thương chúng ta. Ngài có làm ta toại nguyện hay không, hoặc Ngài nhận lời cầu của ta theo cách nào thì cũng đều là vì lợi ích cho linh hồn chúng ta mà thôi.
Bởi thế khi cầu nguyện, điều cốt yếu là luôn luôn tin tưởng, cậy trông và phó thác cho tình thương quan phòng của Cha chúng ta.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, Chúa thật kiên nhẫn với con. Xin cho con đừng bao giờ nản lòng trước những thất bại, nhưng biết kiên nhẫn tìm kiếm và gõ cửa cho đến khi được Hồng Ân của Ngài. Amen. 
 
Nguồn: WGPSG